08 XU HƯỚNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NĂM 2020 (Phần 2)

SES 27/03/2020

Xây dựng thương hiệu có thể được định nghĩa ngắn gọn là tất cả những gì một doanh nghiệp làm để tạo ra sự khác biệt, nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trong thời đại nhiễu loạn thông tin ngày nay, một tên gọi tốt hay một bộ nhận diện đẹp không còn đủ để thu hút sự chú ý liên tục từ người tiêu dùng. Làm thế nào để ta có thể duy trì một bản sắc vững chắc và gia tăng nhận biết thương hiệu trong một năm 2020 đầy biến động? Đối với nhiều người, nắm bắt các xu hướng mới là một trong những cách tốt nhất để bắt đầu .

Thương hiệu đang được tiếp cận theo rất nhiều cách khác nhau vào năm 2020. Trong bối cảnh công nghệ được đổi mới liên tục và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, xây dựng thương hiệu giờ đây ngày càng ít tập trung hơn vào việc thương hiệu sẽ trông như thế nào, thay vào đó nó chú ý nhiều hơn tới cách mà một thương hiệu hoạt động.

Hoạt động thương hiệu vì thế đang trở nên đa dạng và phổ biến hơn bao giờ hết, nó bao hàm toàn bộ trải nghiệm người tiêu dùng có với một thương hiệu. Trên hết, các chiến dịch theo định hướng công nghệ đang tạo nên một chuẩn mực mới cho những trải nghiệm này. Tất cả những điều này làm phát sinh thêm hàng loạt các yếu tố mới như: thiết kế trải nghiệm khách hàng, chuyển đổi số, phát triển bền vững hay xây dựng các kết nối cộng đồng. Lượng thông tin và kiến thức khổng lồ về những điều này có thể làm tê liệt nhiều người.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, dịch bệnh từ virus corona đã đe doạ sự tồn vong không chỉ với con người mà còn với các thương hiệu. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia đã dự báo rằng rất có thể chúng ta sẽ phải học cách sống cùng dịch bệnh này cả năm nay. Rất nhiều các công ty và thương hiệu sẽ bị xóa sổ trong quá trình hãm phanh này. Làm thế nào để các thương hiệu bình tĩnh trước quá nhiều sóng gió như vậy?

Để giúp các thương hiệu Việt Nam vượt qua những thách thức này, Mibrand Vietnam đã tổng hợp lại 08 xu hướng nổi bật trong năm 2020 từ các chuyên gia và thương hiệu hàng đầu thế giới. Đi cùng đó là các ví dụ cụ thể từ các Case Study hàng đầu thế giới để giúp người đọc khơi gợi thêm các ý tưởng mới cho chính mình.

Các xu hướng này có thể trải rộng trên nhiều khía cạnh,hoạt động khác nhau của doanh nghiệp, tuy nhiên chúng cùng hướng tới mục tiêu giúp thương hiệu thích nghi và sáng tạo tốt hơn trên môi trường kỹ thuật số, trong một năm mà phần lớn các hoạt động offline có khả năng bị ngưng trệ hoàn toàn.

Danh sách này chắc chắn sẽ không thể đầy đủ, nhưng là những xu hướng chúng tôi cho là sẽ phù hợp nhất trong thời điểm này. Mong rằng chúng sẽ giúp bạn tìm thấy một vài cách thức phù hợp để chèo lái thương hiệu của mình đi qua cơn bão phía trước, và trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

5. Thể hiện trách nhiệm xã hội

Người tiêu dùng ngày nay không còn coi các sản phẩm đơn thuần là hàng hóa mà còn là một tuyên bố cho lối sống, phong cách hay niềm tin cá nhân của họ. Người ta ưu ái những thương hiệu tốt đẹp hay ít nhất là tỏ ra như vậy. Dó đó các thương hiệu cần phải nhạy cảm hơn với các nỗi đau (paint-point) từ xã hội và cố gắng giải quyết chúng theo cách riêng, ít ra là thông qua các hoạt động tiếp thị truyền thông.

Trên thực tế, nghiên cứu từ State of Branding cuối năm ngoái chỉ ra rằng có tới 87% khách hàng mua hàng từ các tổ chức chia sẻ chung niềm tin về xã hội. Bên cạnh đó, phần lớn (79%) các công ty thừa nhận tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề cả về xã hội và văn hóa trong chiến lược thương hiệu. Tuy nhiên, không ít công ty cũng nói rằng họ gặp quá nhiều khó khẳn để theo kịp xu hướng này.

Thế giới thì ngày càng phức tạp và nhiều vấn đề, do đó các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội cũng ngày càng có nhiều đất diễn hơn. Từ các ý tưởng cải thiện tình hình môi trường, thúc đẩy sự đa dạng, cơ hội và kết nối con người, cho tới các hoạt động liên quan tới chiến tranh, di cư, chuyển dịch nguồn nhân lực, phổ biến công nghệ mới hay giáo dục phòng chống dịch bệnh… Hãy lưu ý rằng thương hiệu của bạn lựa chọn các trách nhiệm phù hợp, có liên quan và tìm cách kết hợp với những điều thương hiệu đại diện từ trước đến nay.

Thể hiện trách nhiệm xã hội có thể không tốn quá nhiều ngân sách, ví dụ điển hình có thể kể tới Dove, thương hiệu đồ lót ThirdLove và thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty. Những thương hiệu này đơn giản chỉ để phụ nữ (khách hàng) thực sự xuất hiện trên quảng cáo của họ thay vì thuê những cô người mẫu hoàn hảo. Qua đó, họ đã và đang phát động các chiến dịch quảng cáo nhằm phá vỡ định kiến về ​​sắc đẹp, đấu tranh bình đẳng và khơi dậy sự tự tin cho nữ giới. Điều này tạo cảm hứng cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc và xu hướng giới tính.

Một ví dụ nổi bật khác là thương hiệu giày và thời trang của Mỹ Toms. Họ đã nghĩ ra một trong những chiến lược thể hiện trách nhiệm xã hội hiệu quả chưa từng thấy. Là một trong những công ty dẫn đầu phong trào tác động xã hội, họ đã hợp tác với nhiều tổ chức để hỗ trợ cho nhiều mục đích. Họ có các chiến dịch để chấm dứt bạo lực súng đạn, thúc đẩy bình đẳng và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần. Khi cho phép khách hàng lựa chọn mục đích ủng hộ xã hội trong mỗi lần mua hàng, họ dần dần gắn liền trải nghiệm mua hàng với trải nghiệm được đóng góp cho một điều gì đó lớn hơn cho cộng đồng, từ đó tạo ra được một lượng khách hàng trung thành khổng lồ.

Tóm tắt xu hướng 05:

  • Người tiêu dùng thích các thương hiệu thể hiện trách nhiệm xã hội vì các thương hiệu này khiến họ cảm thấy mình mua hàng có mục đích hơn.
  • Có nhiều cách thức khác nhau để thể hiện trách nhiệm xã hội, chúng có thể tới từ những nỗ lực rất nhỏ như cất tiếng nói về vấn đề liên quan tới thương hiệu hay thay đổi hình ảnh trên quảng cáo.

6. Ứng dụng các công nghệ mới

Công nghệ đã ăn sâu và sẽ tiếp tục thay đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng như hoạt động của các tất cả các ngành công nghiệp hiện đại. Vì vậy, các xu hướng về công nghệ dù không hề mới nhưng vẫn cần phải được cập nhật đều đặn. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) cho thấy, 60% doanh nghiệp nằm trong Forbes Global sẽ tăng gấp đôi năng suất vào năm 2020 nhờ vào việc số hóa và áp dụng công nghệ trong cải tiến sản phẩm, dịch vụ. Thương hiệu giờ đây là trải nghiệm khách hàng. Và trải nghiệm khách hàng của tương lai sẽ phụ thuộc rất lớn vào các phát minh công nghệ.

Theo nghiên cứu từ Bynder State of Branding, các nhà tiếp thị và quản lý thương hiệu thường sử dụng công nghệ cho các hoạt động: cải thiện sự tham gia của khách hàng (38%), phát triển sản phẩm (20%) tăng cường nhận thức (17%), thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng (15%) và các giải pháp tự động hóa (10%).

Họ cũng chỉ ra các công nghệ được nhà tiếp thị sử dụng nhiều nhất là: ứng dụng di động (68%), trợ lý giọng nói (40%) và công nghệ thực tế ảo (37%). Những công nghệ này phù hợp với xu hướng gia tăng truy cập internet và tương tác trên điện di động (mobile first).

Mạo hiểm đầu tư cho các công nghệ mới mẻ và đắt đỏ chỉ nên được thực hiện nếu thương hiệu mong muốn có một cuộc bứt phá ngoạn mục. Một trong những chiến thuật được ưa chuộng gần đây là các ứng dụng mở rộng thực tại (augmented reality), chúng là sự cân bằng giữa trải nghiệm kỹ thuật số và trải nghiệm vật lý, giúp tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ hơn về thương hiệu.

Ví dụ như Audi sử dụng công nghệ thực tế tăng cường và màn hình cảm ứng trong phòng trưng bày ở London. Để du khách có thể khám phá các tính năng khác nhau trước khi kiểm tra xe thực tế trên thực tế. Một ví dụ điển hình khác là trò chơi Pick N Play của McDonald tại Stockholm, Thụy Điển. Trong chiến dịch này, khách hàng có thể chơi trò chơi được hiển thị trên bảng quảng cáo, dùng điện thoại di động làm bộ điều khiển mà không cần cài đặt ứng dụng. Tất cả những gì họ phải làm là truy cập website trên bảng quảng cáo, bật GPS và chơi. Phần thưởng là một bữa ăn Mcdonald miễn phí nếu nhân vật trong game sống sót được 30 giây. Khỏi phải nói ý tưởng tuyệt vời này của họ đã thành công rực rỡ như thế nào.

Tóm tắt xu hướng 06:

  • Chiến lược xây dựng thương hiệu dựa trên công nghệ sẽ giúp bạn thích nghi theo nhu cầu của khách hàng tương lai hiệu quả hơn.
  • Các công nghệ phù hợp với xu hướng mobile first nên được ưu tiên hàng đầu.
  • Ứng dụng thực tế mở rộng là một xu hướng mới có thể giúp thương hiệu dễ dàng tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh.

7. Sáng tạo trải nghiệm thương hiệu trên môi trường Online

Bối cảnh kinh doanh hiện đại đã đưa định hướng lấy khách hàng làm trung tâm lên một tầm cao mới. Hướng đến khách hàng không còn chỉ là tiến hành khảo sát để tìm hiểu thị trường mục tiêu của bạn muốn gì. Ngày nay, các thương hiệu tìm mọi cách để hướng đến khách hàng trong phát triển sản phẩm, cũng như tạo ra các trải nghiệm sáng tạo không nằm trong hành trình mua hàng truyền thống.

Trong bối cảnh năm 2020 các sự kiện offline và trải nghiệm mua hàng bị gián đoạn bởi dịch bệnh toàn cầu, việc thiết kế các trải nghiệm kỹ thuật số đang được các thương hiệu chú ý hơn bao giờ hết.

Lấy ví dụ, thương hiệu LEGO là một trong những người tiên phong tạo ra các trải nghiệm sáng tạo trên môi trường online. Trong chiến dịch sáng tạo gần đây nhất, LEGO đã yêu cầu khách hàng lên web của họ mỗi tuần để theo dõi các thử thách mới về sáng tạo LEGO theo chủ đề. Người chiến thắng không chỉ giành được giải thưởng mà bài dự thi của họ cũng được biến thành một bộ LEGO thực sự được phát hành trên thị trường. Hay ta có thể kể tới Harley-Davidson, từ 2019 họ đã tổ chức các cuộc hội chợ thương hiệu trực tuyến, nơi khách hàng có thể gặp nhau, trao đổi các kiến thức, thiết bị và có những trải nghiệm đáng nhớ khác.

Hãy nhớ rằng một trải nghiệm thương hiệu có thể vô cùng đa dạng, có thể xuất hiện tại bất cứ đâu và không bị bó buộc bởi các phương tiện truyền thông – miễn là chúng truyền tải được chính xác cảm xúc mà thương hiệu muốn tới trái tim khách hàng. Điều quan trọng là trải nghiệm này phải đủ ấn tượng, đáng ghi nhớ để đảm bảo rằng nó lan truyền mạnh mẽ, thu hút người tiêu dùng và chuyển đổi khách hàng tiềm năng hiệu quả.

Tóm tắt xu hướng 07:

  • Sáng tạo các trải nghiệm thương hiệu hướng đến khách hàng giúp khách hàng cảm thấy như họ là một phần của thương hiệu. Điều này giúp tăng cường sự duy trì và tham gia từ khách hàng.
  • Trải nghiệm thương hiệu có thể vô cùng đa dạng, có thể xuất hiện tại bất cứ đâu và không bị bó buộc bởi các phương tiện truyền thông. Năm 2020 có thể là một năm bứt phá của các trải nghiệm kỹ thuật số.

8. Tạo dựng quan hệ và sử dụng Influencer

Theo một bài thuyết trình trên TEDx Talk của Rachel David, Influencer đóng một vai trò lớn trong các chiến lược tiếp thị thương hiệu hiện đại. Giờ đây các nhà tiếp thị đang phải chia sẻ bớt công việc và thù lao cho các nghệ sĩ.

Tiếp thị ảnh hưởng đã được phổ biến trong một thời gian, tuy nhiên xu hướng này không cho thấy dấu hiệu suy giảm. Có đến một nửa dân số thế giới phụ thuộc vào khuyến nghị từ những người có ảnh hưởng khi mua hàng. Các công ty đã đổ xô đi gặp những người có ảnh hưởng vào năm 2019 và đây chắc chắn vẫn là một trong những xu hướng thương hiệu hàng đầu trong năm 2020.

Ngành công nghiệp game có lẽ là các lĩnh vực sử dụng người có ảnh hưởng nhiều nhất nhờ phù hợp với nền tảng Video. YouTuber được đăng ký nhiều thứ hai thế giới, Felix Kjellberg, hay còn có biệt danh là PewDiePie, đã thực hiện một đoạn video đơn giản dài 11 phút để chơi trò chơi Vainglory của Super Evil Megacorp vào năm 2015 với người hâm mộ. Video đã thu được 2,2 triệu lượt xem cho đến nay.

Với kết quả như vậy, không có gì ngạc nhiên khi 79% các nhà quản lý thương hiệu đã đầu tư vào tiếp thị có ảnh hưởng trong năm qua trong khi 22% đã lên kế hoạch sử dụng lần đầu tiên.

Trên thực tế thì các thương hiệu có thể sử dụng cùng những người gây ảnh hưởng với nhau, miễn là sản phẩm của họ không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Điều quan trọng là người gây ảnh hưởng này phải có hiểu biết hay chuyên môn liên quan tới sản phẩm của thương hiệu bạn. Một ví dụ có thể kể tới là Sanjeev Kapoor – một đầu bếp nổi tiếng người Ấn Độ, đồng thời là một blogger ẩm thực năng động với lượng người theo dõi khổng lồ trên Instagram và Facebook. Anh là gương mặt đại diện của nhiều nhãn hàng tiêu dùng nổi tiếng tại Ấn Độ như Dettol và Tata Sampanm.

Tóm tắt xu hướng 08:

  • Quan hệ đối tác với các Influencer cho phép bạn khai thác và tăng cường sự quan tâm sâu sắc từ các nhóm khách hàng trọng tâm của thương hiệu.
  • Để những người có ảnh hưởng nói về thương hiệu của bạn có thể khiến bạn trông đáng tin cậy hơn nhiều trong mắt những khách hàng tiềm năng.
  • Các thương hiệu có thể sử dụng chung những người gây ảnh hưởng, miễn là họ không có các sản phẩm/ dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với nhau.

Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….

WEALTHY CONNECTION…

KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận