Doanh nghiệp không tìm được freelancer chất lượng cao, công việc bị trễ deadline; trong khi freelancer bị khách hàng “phá giá”, thanh toán chậm, thiếu tôn trọng… Làm thế nào để giải quyết những khúc mắc của đôi bên?
Xu hướng làm việc tự do (freelancer) đang ngày càng được nhiều nhân sự lựa chọn. Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu Statista (Đức), tại Mỹ, số lượng freelancer không ngừng tăng từ năm 2014 đến nay, dự đoán sẽ đạt mức 86,5 triệu người vào năm 2027, chiếm 51% lực lượng lao động. Doanh nghiệp thường tìm đến freelancer với những công việc mang tính sáng tạo như viết lách, thiết kế, quay phim, chụp ảnh… Một vài tổ chức còn tuyển freelancer cho những vị trí “cao cấp” hơn như cố vấn/ tư vấn chuyên môn, chiến lược phát triển trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, marketing, luật, kinh doanh…Tuy nhiên, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và freelancer không phải lúc nào cũng tốt đẹp.
Tìm kiếm freelancer có trình độ không phải điều dễ dàng, đôi khi doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng công việc chậm trễ và kém chất lượng. Freelancer thì gặp tình trạng doanh nghiệp “phá giá”, thanh toán chậm, không đưa yêu cầu rõ ràng, thái độ làm việc thiếu tôn trọng và thiện chí…Vậy làm thế nào để hai bên có thể phối hợp hiệu quả với nhau?
Theo bà Phan Linh, tác giả cuốn sách “365 ngày trong thế giới PR”, đồng thời là một freelancer lâu năm trong lĩnh vực truyền thông, có 2 phương pháp để việc tuyển chọn freelancer được hiệu quả hơn.
Có kế hoạch tuyển dụng rõ ràng: trước khi đăng tuyển, doanh nghiệp cần tự trả lời các câu hỏi: lý do cần tuyển freelancer, khả năng chi trả, kế hoạch công việc, chiến lược phát triển sản phẩm/ dịch vụ…Những thông tin này cần được trao đổi thẳng thắn, minh bạch trong quá trình tuyển dụng. Doanh nghiệp không nên có tư duy hợp tác “vụ mùa”, “ăn xổi”. Nhiều người cho rằng freelancer là người làm việc từ xa, làm một thời gian rồi nghỉ, không có sự gắn bó lâu dài nên không cần thiết phải lựa chọn quá kỹ lưỡng. Thế nhưng, mọi công việc muốn hiệu quả đều cần phải dựa trên sự nghiêm túc, thái độ tôn trọng, sự thấu hiểu về năng lực, nguyện vọng của đôi bên. Ngay cả khi tìm được freelancer chất lượng thì kết quả công việc cũng chưa chắc được như ý.
Doanh nghiệp nên dành thời gian để phỏng vấn trực tiếp ứng viên, cũng như yêu cầu họ gửi sản phẩm, làm bài kiểm tra thử trước khi quyết định lựa chọn. Hơn nữa, một bộ phận freelancer ngày nay cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc phát triển “thương hiệu cá nhân” một cách nghiêm túc và bài bản. Vì vậy, có thể tự tiến hành tìm hiểu “thương hiệu cá nhân” của họ, kết quả các dự án họ từng thực hiện và phản hồi của khách hàng trước đó.
Tránh bẫy “giá rẻ”: Một bộ phận freelancer hiện vẫn không ý thức được về giá trị công việc và giá trị bản thân. Suy nghĩ “làm tự do, thích thì nghỉ, không ràng buộc” là một tư duy không khó gặp, làm giảm tính cam kết, trách nhiệm cũng như chất lượng công việc. Bộ phận nhân sự này sẽ chấp nhận những công việc với giá thấp. Hãy nhớ nguyên tắc “tiền nào của nấy” vẫn luôn đúng! Nếu đưa ra mức giá thấp, doanh nghiệp cũng chỉ có thể tiếp cận nhân sự có kỹ năng kém, dẫn đến sản phẩm không chất lượng. Quan trọng nhất vẫn là nhu cầu của doanh nghiệp đến đâu, sau đó là “thuận mua vừa bán” với mức chi phí xứng đáng.
4 bí quyết tạo nên quá trình hợp tác công việc hiệu quả
1. Giao tiếp thường xuyên
Khi làm việc cùng freelancer, không khó gặp tình trạng công việc bị trì hoãn, hai bên hiểu nhầm ý tưởng của nhau. Để giải quyết, doanh nghiệp cần cập nhật công việc thường xuyên. Có thể bằng các cách như: đặt lịch họp định kỳ; thông báo về tiến độ công việc theo tuần/ tháng; sử dụng các nền tảng giao tiếp chung thuận tiện cho việc theo dõi dự án cho cả hai bên…Nếu cần thiết, có thể yêu cầu freelancer tham gia các buổi họp trực tiếp cùng các thành viên khác trong dự án.
2. Đảm bảo quyền lợi người lao động
Doanh nghiệp cần luôn đảm bảo, tôn trọng các sản phẩm, công sức, chất xám của freelancer và nghiêm túc trong các vấn đề về bản quyền. Cùng với đó, cần luôn trung thực với những kỳ vọng của mình, tôn trọng freelancer, đặc biệt ở khía cạnh giao dịch, thanh toán.
3. Rõ ràng trong kế hoạch hợp tác
Để tránh lãng phí thời gian hay hiểu lầm trong quá trình làm việc, hai bên đều cần nắm rõ: mục tiêu cụ thể trong công việc (i); hiểu rõ vai trò của mình cũng như thành viên khác trong đội (ii); thống nhất quy trình làm việc, xử lý công việc (iii); luôn duy trì sự tương tác, ngay cả khi không gặp mặt trực tiếp (iv).
Mục tiêu công việc xác định càng cụ thể càng tốt, khi đó mới có cơ sở để so sánh, xác định mức độ hiệu quả sau một thời gian làm việc. Nhiều doanh nghiệp làm việc với freelancer, nhưng lại không có mục tiêu và kế hoạch cụ thể, sau một thời gian không thấy hiệu quả thì ngừng hợp tác không lí do và đổ lỗi cho freelancer. Điều này khiến doanh nghiệp mất uy tín lâu dài đối với cộng đồng freelancer, công việc cũng trở nên chậm trễ.
4. Hiểu văn hoá
Việc tìm kiếm được freelancer phù hợp với văn hoá doanh nghiệp sẽ là nền tảng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài cả cho các dự án sau này. Vì vậy, thay vì chỉ tập trung vào chuyên môn của họ, hãy quan sát, đánh giá cả về yếu tố trách nhiệm, tinh thần, phong cách làm việc xem có phù hợp với văn hoá doanh nghiệp không. Đồng thời, hãy coi họ là như một thành viên của tổ chức, cho phép họ tham gia các hoạt động như nhận bản tin công ty, tham gia họp hoặc thi thoảng mời họ tới văn phòng làm việc.
Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….
WEALTHY CONNECTION…
KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn