Kỹ thuật phân tích đối thủ cạnh tranh để làm chủ thị trường

SES 15/11/2019

Trong binh pháp Tôn Tử, có viết “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”. Trong kinh doanh, nếu bạn có thể nghiên cứu và theo dõi cách đối thủ của mình, bạn có thể lên chiến lược để tránh khỏi các sai lầm của họ và học hỏi những chiến lược tốt để từ đó dần làm chủ thị trường.

Năm 2015, B2B International – một công ty nghiên cứu thị trường ở Mỹ – đã thực hiện một cuộc khảo sát với một số doanh nghiệp lớn ở Bắc Mỹ có doanh thu trung bình trên 6 triệu USD. Mục đích của cuộc khảo sát là tìm hiểu những thách thức lớn nhất trong hoạt động tiếp thị của các công ty này và các chiến lược tiếp thị mà họ đang áp dụng.

Kết quả cho thấy chỉ có 27% các doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường B2B có thực hiện các nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh mặc dù gần 50% cho rằng “đối phó với cạnh tranh” là 1 trong 5 thách thức hàng đầu của họ trong kinh doanh.

Doanh nghiệp không thể đánh bại đối thủ, làm chủ thị trường nếu không hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của đối phương. Các hoạt động của các đối thủ cạnh tranh tác động đến mọi mặt của doanh nghiệp, từ thiết kế sản phẩm đến định giá và tìm kiếm khách hàng.

Thực tế, không ít doanh nghiệp có thể nhắc ngay tên các đối thủ cạnh tranh chính của mình cùng một vài “giai thoại” về các đối thủ ấy. Tuy nhiên, theo Julia Cupman – Phó chủ tịch của B2B International – những thông tin này chỉ mới là bề nổi và chưa cung cấp đầy đủ những thông tin, hiểu biết cần thiết về đối thủ cạnh tranh, giúp doanh nghiệp định hình chiến lược kinh doanh thích hợp cho mình.

Ở bài viết này, Brandsviet sẽ chỉ ra các kỹ thuật doanh nghiệp cần phải thực hiện để nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về thị trường và đối thủ cạnh tranh.

1. Kỹ thuật xác định và phân loại đối thủ cạnh tranh

1.1. Xác định đối thủ cạnh tranh cần phân tích

* Bằng kinh nghiệm của bạn qua hoạt động kinh doanh

Qua hoạt động kinh doanh, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, sẽ không hiếm lần bạn phải cọ sát, đụng chạm với các đối thủ kinh doanh của mình. Bởi vậy mà bạn hoàn toàn có thể liệt kê những đối thủ và một vài “giai thoại” kinh điển về họ. Tuy nhiên, việc xác định bằng kinh nghiệm này chưa chính xác, không đầy đủ vì thế chúng ta cần phải sử dụng thêm một vài phương pháp khác để xác định chính xác hơn.

* Sử dụng công cụ tìm kiếm của Google

Cách đơn giản nhất hiện nay để bạn nhận dạng và nhìn ra các đối thủ cạnh tranh của mình đó chính là tìm kiếm từ khoá trên Google.  Khi gõ từ khoá liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, lĩnh vực mà bạn đang cung cấp, chúng ta dễ dàng tìm ra những website của đối thủ đang nằm trên top. Từ đó truy cập website của họ, quan sát các thông tin, đo lường kỹ lưỡng hơn để xác định.

* Tìm hiểu trên Social media

Hãy đảm bảo bạn đã xem qua các kênh truyền thông xã hội của đối thủ cạnh tranh của mình. Bởi tiếp thị trên Social media đang là một xu hướng của các doanh nghiệp hiện nay. Dạo một vòng trên các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, Zalo, Twitter… Chúng ta sẽ tìm ra những chỉ số thực sự mạnh từ số lượng người quan tâm, số lượng nội dung, tương tác của người dùng,… Ngoài ra, bạn còn thấy được cách họ tiếp thị sản phẩm của họ, phong cách họ đang sử dụng và cách họ nói chuyện với khách hàng.

Từ đây, bạn sẽ đưa ra được những nhận định chính xác ai thực sự là đối thủ đáng để ta phải học hỏi & cạnh tranh?

* Sử dụng các công cụ theo dõi trực tuyến

Tùy thuộc vào ngành nghề của bạn mà bạn có thể dùng một số công cụ, các trang web trực tuyến để đánh giá đối thủ của mình. Các trang như Yelp, Foursquare, TripAdvisor hoặc Angie’s List có thể giúp khám phá các đối thủ cạnh tranh trong khu vực lân cận của bạn.

Ngoài ra còn có các công cụ đặc biệt để giúp bạn tìm ra đối thủ cạnh tranh của bạn như SimilarWeb. SimilarWeb là một công cụ phân tích cạnh tranh tuyệt vời về đối thủ cạnh tranh. Đơn giản chỉ cần nhập tên của trang web của bạn và họ sẽ cung cấp cho bạn một danh sách các công ty tương tự, với các chỉ số rất cụ thể.

Một khi bạn biết đối thủ cạnh tranh chính của bạn là ai, các công cụ trực tuyến như Google Trends giúp bạn theo dõi các từ khoá nhất định. Ví dụ: Nhập tên đối thủ cạnh tranh của bạn và xem mức độ phổ biến của cụm từ tìm kiếm về họ trong 6 tháng qua. Công cụ này có thể hướng cho bạn cách họ đang kinh doanh.

Các công cụ như Buzzsumo cũng giúp bạn theo dõi vị trí, khu vực cụ thể nơi bạn hoặc đối thủ cạnh tranh của bạn đang được đề cập nhiều trên Internet, và xem luôn rằng các khách hàng đang nói gì về thương hiệu của bạn.

* Khảo sát khách hàng, đối tác và nhân viên của bạn

Khách hàng là một nguồn cung cấp thông tin về đối thủ cạnh tranh hiệu quả, đáng tin cậy, khách quan và có giá trị nhất. Trong thời đại kỹ thuật số, khách hàng luôn sẵn sàng nói ra những điều mà họ mong muốn hoặc than phiền về những điều mà doanh nghiệp chưa đáp ứng thỏa đáng cho họ. Họ rất thích so sánh để có thể đáp ứng được cho họ những dịch vụ tốt nhất. Họ không chỉ cung cấp cho bạn hàng tấn phản hồi về sản phẩm và dịch vụ của bạn, họ còn nói cho bạn biết đối thủ của bạn đang làm tốt hay tồi như thế nào.

Doanh nghiệp có thể tìm hiểu rất nhiều thông tin khác nhau về đối thủ cạnh tranh như giá cả, dịch vụ, các điều kiện, điều khoản của hợp đồng, các thông tin kỹ thuật, những sản phẩm sắp được tung ra thị trường… Bạn nên thể cung cấp các khuyến mãi, mã giảm giá để khuyến khích họ. Nhưng phải thực sự khéo léo, không sẽ trở nên lố bịch và soi mói.

Với nhân việc, đặc biệt là các đối tác có thể học hỏi rất nhiều từ họ! Hãy chăm chỉ kết bạn với những người trong ngành của bạn và thu thập thông tin thông qua mạng lưới này. Các hội chợ thương mại và sự kiện ngành công nghiệp có thể là một cơ hội tốt để xây dựng một mạng lưới thông tin, nếu bạn chưa có. Ở đây, bạn có thể nói chuyện trực diện với các đồng nghiệp, người bán sỉ và các nhà bán lẻ khác. Không chỉ bạn sẽ nghe tin tức mới nhất về các đối thủ của bạn, mà bạn còn sẽ nhận được một số lời khuyên tuyệt vời để củng cố mô hình kinh doanh của bạn.

1.2. Phân loại các đối thủ cạnh tranh

Khi đã có một danh sách cách đối thủ cạnh tranh thì công việc tiếp theo bạn cần làm là phân loại đối thủ thành các nhóm khác nhau từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp đến đối thủ tiềm ẩn. Vậy làm thế nào để phân loại đối thủ? Sau đây là các tiêu chí đơn giản nhất:

  • Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Là những đối thủ có cùng phân khúc khách hàng, cùng dòng sản phẩm, cùng giá bán và có năng lực cạnh tranh trên cùng phân khúc.
  • Đối thủ cạnh tranh gián tiếp (hay còn gọi là sản phẩm thay thế): Là đối thủ cung cấp khác sản phẩm, dịch vụ nhưng cùng giả quyết một nhu cầu của khách hàng. Khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm này khi không có sản phẩm của doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm thay thế mới ra đời làm thay đổi hoàn toàn nhu cầu của khách hàng về sản phẩm dịch vụ, chủ yếu là sản phẩm công nghệ.
  • Đối thủ cạnh tranh cấp 3: Là những đối thủ có khả năng gia nhập và cạnh tranh trong một ngành, phân khúc khách hàng nhưng chưa gia nhập. Đó còn là những đối thủ cung cấp các sản phẩm có liên quan đến sản phẩm của bạn, sản phẩm của họ có thể trở thành một danh mục sản phẩm mở rộng của bạn. Ví dụ bạn kinh doanh trang sức thì các đối thủ gián tiếp có thể là một cửa hàng bán đá quý.

Lưu ý, mỗi nhóm chỉ nên lựa chọn và tập trung phân tích khoảng 3 đối thủ cạnh tranh mà bạn đánh giá là đáng “gờm”. Đừng rộng quá, sẽ khiến bạn mất tập trung, và khó xác định mục tiêu chiến lược đánh. Phải xác định được đối thủ, bạn mới có thể lên được được chiến lược tập trung ngắn hạn, hay trung hạn cụ thể để hạ gục và làm chủ thị trường.

2. Kỹ thuật phân tích, bóc tách đối thủ cạnh tranh

2.1.  Phân tích website của đối thủ cạnh tranh

Với hoạt động Digital Marketing, thì website là một trong những kênh chủ lực, là bộ mặt của doanh nghiệp và cập nhật đầy đủ thông tin nhất. Những vấn đề bạn cần xem xét trên website của họ bao gồm:

STT Nội dung phân tích Đánh giá
1 Số lượng và chất lượng nội dung trên website? Nội dung tự viết hay đi copy và chỉnh sửa? Có được cập nhật thường xuyên không?
2 Định dạng chủ yếu của nội dung là gì? (Hình ảnh, Video, Ảnh động…) Hiển thị như thế nào? Có thực sự phù hợp và thu hút?
3 Cấu trúc của website có thực sự thân thiện, tối ưu với khách hàng? Hình ảnh, màu sắc đã đồng bộ thương hiệu?
4 Mã nguồn website sử dụng là gì? Có uy tín và bảo mật không?
5 Những thông tin nào xuất hiện trên trang chủ? Những thông tin nào đang được nhấn mạnh ở banner quảng cáo?
6 Website của họ đã được tối ưu cho mobile? Đã có nút CTA, chát trực tuyến và liên kết mạng xã hội chưa?
7 Website có blog không? Bao lâu đăng 1 lần? Đăng những thông tin gì?
8 Website có tính năng bỏ giỏ hàng hay không? Nếu có họ sẽ gửi những thông gì nhắc nhở khách hàng?
9 Họ có đặt box thu thập email nhận bản tin trên website hay không? Box được làm nổi bật như thế nào?
10
Website có những thông tin liên hệ nào? Có rõ ràng không? Sau bao lâu thì được hỗ trợ?
11
Website có được sử dụng để chạy quảng cáo không? Hay họ sử dụng 1 landingpage khác để chạy quảng cáo?

2.2. Phân tích hoạt động marketing online của họ

Với một đối thủ mạnh, chắc chắn họ không chỉ áp dụng một kênh marketing, vậy nên bạn hãy đi phân tích và liệt kê ra những kênh họ đang áp dụng. Tuy nhiên mỗi kênh này cũng sẽ có những kênh rất hiệu quả, và cũng có những kênh họ làm chưa thực sự hiệu quả, chúng ta hãy ghi chú lại để áp dụng và rút kinh nghiệm về sau.

STT Hoạt động marketing Online Đánh giá
1 Họ đang sử dụng những những kênh marketing online nào?
2 Họ có đang sử dụng website để tiếp thị hay không? Có bao nhiêu website?
3 Họ có đang tối ưu SEO hay không? Thứ hạng vị trí từ khoá như thế nào? Chiến lược SEO của họ có gì đặc biệt?
4 Họ có đang sử dụng các mạng xã hội để tiếp thị không? Đó là những kênh nào?
5
Có học có sử dụng hệ thống Email markeing không? Tần suất gửi như thế nào? Thời gian phản hồi Email của họ bao lâu?
6 Số lượt tương tác, truy cập của họ phần lớn đến từ kênh nào?
7 Đâu là kênh marketing online hiệu quả nhất của họ?
8 Ngân sách họ sử dụng cho hoạt động marketing online như nào?
9 Họ các công cụ để theo dõi và tối ưu cho hoạt động marketing online không?
10 Các chiến dịch marketing online của họ tự làm hay là thuê ngoài?

2.3. Phân tích hoạt động của họ trên các mạng xã hội

Khi tìm hiểu đối thủ trên mạng xã hội, đừng bỏ qua bất cứ kênh nào, hãy tìm kiếm đối thủ trên cả Facebook, Instagram, Google+, Twitter, Pinterest… Vậy bạn cần tìm hiểu gì trên các kênh này?

STT Nội dung phân tích Đánh giá
1 Họ đang triển khai marketing trên những mạng xã hội nào? Sự hiện diện của họ trên mạng xã hội như thế nào?
2 Kênh nào đang được sử dụng nhiều nhất và hiệu quả nhất?
3 Các kênh nào họ còn thiếu? Tại sao họ không phát triển? Chúng ta còn cơ hội để phát triển không?
4 Họ kết nối và tương tác với khách hàng như thế nào trên mạng xã hội?
5 Nội dung họ public trên mạng xã hội? Tần suất đăng nội dung mới là bao lâu?
6 Tỷ lệ tương tác trên các mạng xã hội của họ như thế nào?
7 Họ có sử dụng chat bot để tối ưu thời gian tương tác với khách hàng không?
8 Họ sử dụng mạng xã hội để bán hàng, cung cấp thông tin, hay là thương hiệu?
9 Họ có bán được hàng ngay trên mạng xã hội không? Hay chỉ là phễu để họ chuyển đổi và nuôi dưỡng tiếp?

2.4. Phân tích kênh phân phối & teamwork

Một đơn vị mạnh họ không thể làm việc một mình mà luôn có đội nhóm làm việc. Phân tích teamwork và những kênh phân phối của họ là cần thiết, để giúp chúng ta có sự đánh giá chính xác. Đôi khi một doanh nghiệp mạnh bởi vì nhân lực đông nhưng chưa chắc biên độ lợi nhuận đã thực sự lớn, hãy xác định chi phí trong hoạt động này của họ để nắm rõ…

STT Nội dung phân tích Đánh giá
1 Họ đang có bao nhiêu nhân sự? Đội ngũ nhân sự dành cho kinh doanh khoảng bao nhiêu?
2 Họ đang triển khai kênh phân phối nào? Trực tiếp (P-C), gián tiếp (P-R-C; P-W-R-C; P-A&B-W-R-C) hay đa cấp?
3 Các đối tác của họ là ai? Bạn có thể bắt tay với họ được không?
4 Văn hoá và môi trường làm việc của họ có làm thoả mãn nhân viên?

2.5. Phân tích công nghệ, nền tảng, phần mềm họ đang sử dụng

Hoạt động triển khai digital marketing không thể thiếu các công cụ để tiếp cận khách hàng, đo lường, tự động hóa mỗi hoạt động,… Để xác định điều này tuy không phải dễ dàng những hay cố gắng ghi lại những công cụ mà chúng ta thấy trong quá trình đi phân tích

STT Nội dung phân tích Đánh giá
1 Hệ thống Email họ đang sử dụng phần mềm gì?
2 Họ có sử dụng hệ thống chat bot trong chăm sóc khách hàng không?
3 Họ có sử dụng SMS markeing hay tin nhắn thoại không?
4 Họ có sử dụng các công cụ để theo dõi hành vi của người dùng trên website không?
5 Có họ sử dụng các phần mềm, nền tảng để lưu trữ data khách hàng không?
6 Họ có công cụ để theo dõi, đánh giá hiệu quả của các chiến dịch marketing không?
7 Họ có áp dụng thêm các nền tảng, công cụ mới nào trong hoạt động marketing không?
8 Công cụ nào họ đang sử dụng là hiệu quả nhất?
9 Chúng ta đã có những công cụ đó chưa? Và có thể bắt chước được họ không?

2.6. Phân tích trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ của đối thủ

Cách để đánh giá chính xác nhất đó là hãy trở thành khách hàng của đối thủ, lọt vào kênh chăm sóc & nhận những sự tự vấn của họ. Và từ đó có thể học hỏi và ứng dụng tương tự hoặc tốt hơn họ…

Ngoài ra bạn cần dành thời gian để tìm càng nhiều càng tốt các bài đánh giá về đối thủ, bao gồm bài review về sản phẩm trên website, đánh giá chung về cửa hàng và các comment trên mạng xã hội… Tìm kiếm các đánh giá sẽ giúp bạn nhận định được cửa hàng đó có đặt khách hàng làm trung tâm hay không, thấy được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ để tận dụng.

Nếu bạn nhận thấy có nhiều phản hồi không tốt về dịch vụ khách hàng, vận chuyển hoặc chất lượng sản phẩm của đối thủ thì đó chính là cơ hội để bạn tạo nên sự khác biệt.

STT Nội dung phân tích Đánh giá
1 Các họ đeo bám khách hàng và chăm sóc lại khách hàng cũ như thế nào?
2 Khách hàng nói gì sau khi sử dụng sản phẩm – dịch vụ bên họ?
3 Các diễn đàn, mạng xã hội và báo chí nói gì về sản phẩm, dịch bên họ?
4 Chính sách chăm sóc lại khách hàng cũ của họ như thế nào?
5 Thời gian phản hồi, hỗ trợ của họ đối với các sản phẩm, dịch vụ?
6 Phản hồi khách hàng là thật hay là gì? Đánh giá tổng quan là tốt hay xấu?
7 Họ đã xảy ra những khủng hoảng nào chưa? Và cách họ xử lý những khủng hoảng đó như thế nào? Có làm khách hàng hài lòng không?

2.7. Phân tích thị phần, tốc độ tăng trưởng, chiến lược và định vị thương hiệu

Đây có lẽ là những phân tích khó nhất về về đối thủ cạnh tranh của bạn? Nhưng nếu bạn nắm bắt được một cách trọn vẹn phần phân tích này, bạn mới dễ dàng đưa ra chiến lược phù hợp và có kế hoạch làm chủ được thị trường. Hãy tập trung vào những những hạng mục sau:

STT Nội dung phân tích Đánh giá
1 Doanh nghiệp đối thủ đang chiếm bao nhiêu thị phần? Tốc độ tăng trưởng của thị phần?
2 Bạn lấy số liệu ở đâu để phân tích? Có chính thống không? (Báo cáo kinh doanh từ đối thủ/ Số liệu báo cáo từ các cơ quan chức năng)
3 Chiến lược kinh doanh của họ sắp tới được thể hiện như thế nào?
4 Chiến lược định vị thương hiệu của họ như thế nào?
5 Phân khúc và khách hàng mục tiêu sắp tới của họ?
6 Đối thủ đang phát triển hay giảm quy mô?
7 USP của họ hiện tại là gì?
8 Mô hình kinh doanh của đối thủ

2.8. Phân tích chiến lược giá của đối thủ

Chiến lược giá là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh và có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh.

Nếu bạn đang có chiến lược về giá bán cho sản phẩm, hãy nghiên cứu kỹ xem đối thủ cạnh tranh của bạn đang bán với giá thế nào. Từ đó bạn sẽ biết khách hàng mục tiêu của mình sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho sản phẩm đó và quyết định giá bán phù hợp nhất với mình.

Khi nghiên cứu giá của đối thủ, nhớ xem giá của họ trên nhiều kênh khác nhau như giá bán tại cửa hàng, trên website, trên Facebook hay trên các sàn thương mại điện tử,…

Xem lại các thông tin về định vị phân khúc thị trường để tìm ra những giá trị thực sự mà bạn sẽ cung cấp cho khách hàng là gì. Khách hàng mục tiêu của bạn có thể sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được sự an tâm khi mua hàng, vận chuyển nhanh hơn hoặc đơn giản là trải nghiệm một website bán hàng thuận tiện.

2.9. Phân tích chính sách vận chuyển của đối thủ

Cũng giống như vấn đề về giá, bạn cần thu thập thông tin về chính sách vận chuyển hàng hóa và cách thể hiện các chi phí của đối thủ trên website.

Không phải cửa hàng/doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng và tiềm lực để cung cấp chính sách miễn phí vận chuyển cho khách hàng. Nhưng phí vận chuyển lại là lý do hàng đầu của việc từ bỏ giỏ hàng, để thành công khi kinh doanh online thì điều bắt buộc là phải có chi phí vận chuyển hợp lý và cạnh tranh. Bởi vậy, khi nghiên cứu đối thủ cạnh tranh bạn không thể bỏ qua vấn đề này.

3. Kỹ thuật đánh giá và lên chiến lược cho doanh nghiệp

– Tìm ra những ƯU ĐIỂM, NHỮNG KHÁC BIỆT có thể cạnh tranh với các đối thủ mạnh.

– Liệt kê ra 10 yếu tố khác biệt, lợi thế của bản thân mình so với những đối thủ.

– Liệt kê những điều thua kém hiện tại & cố gắng làm để bằng hoặc tốt hơn họ trong tương lai.

– Tìm một ngách thị trường mới để phát triển hoặc một ngách mới về sản phẩm để phát triển.

– Tìm một ngách mới trong kênh tiếp cận mới mà các đối thủ chưa làm tốt để phát triển.

Bằng mọi giá, nổ lực làm thật tốt để lọt vào top 3 trong lĩnh vực đang hoạt động. Nếu đang có quá nhiều đối thủ lớn thì hãy chọn thị trường ngách theo (local, theo phân khúc khách hàng, theo đối tượng khách hàng, theo mối quan hệ,… và cố gắng làm thật tốt trong thị trường ngách đó).

CÔNG THỨC THÀNH CÔNG: Sao chép 3-5 đối thủ mạnh thật chi tiết rồi sau đó cố gắng đạt 70-80% những gì họ đang có + 20-30% sự khác biệt mới từ bản thân mình => sẽ dễ dàng vượt mặt đối thủ và gặp hái thành công hơn. (Thông thường chúng ta phân tích được chỉ là BỀ NỔI CỦA TẢNG BĂNG & chỉ biết được 10-20% điều thực sự họ đang có, vậy nên hãy cố gắng phân tích thật tốt).

4. Công cụ nghiên cứu và theo dõi đối thủ cạnh tranh

Một vài công cụ bạn nên sử dụng trong phấn tích và nghiên cứu đối thủ:

Feedly: Bạn muốn tìm hiểu nội dung trên website của đối thủ? Công cụ phân tích website đối thủ Feedly sẽ giúp bạn điều đó. Bằng việc follow website của đối thủ, Feedly sẽ cập nhật tất cả bài viết mà website ấy vừa đăng lên.

SimilarWeb: Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến công cụ phân tích website đối thủ SimilarWeb. Nó cho phép bạn phân tích toàn diện về website đối thủ dựa trên nhiều yếu tố, giúp bạn có được những thông tin sâu hơn về nhiều website và so sánh chúng.

What Runs Where: Nếu bạn muốn theo dõi quảng cáo của đối thủ thì What Runs Where sẽ giúp bạn điều này. Nó giúp bạn kiểm tra quảng cáo của đối thủ, nhận thông báo mỗi lần họ bắt đầu sử dụng loại quảng cáo nào đó. Không chỉ một mà What Runs Where còn cho phép người dùng theo dõi nhiều đối thủ khác nhau.

Google Alerts: Google Alerts sẽ gửi cho bạn cập nhật mới nhất theo các từ khóa. Thiết lập cảnh báo qua email về đối thủ cạnh tranh của bạn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các công cụ: Ahrefs; VidIQ; Audience Insignt; Searchmetrics; SpyFu; iSpionage;…

Kết luận

Đối thủ ko phải là kẻ thủ. Đối thủ là người bạn “thúc đẩy” ta cố gắng và chạy nhanh hơn. Đối thủ giúp ta chỉ ra các điểm yếu, điểm tốt để hoàn thiện. Bởi vậy, việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh một cách cụ thể, chi tiết sẽ cho ta những dữ liệu cần thiết để định vị lại bản thân, từ đó có những chiến lược ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn để dần làm chủ thị trường.

Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….

WEALTHY CONNECTION…

KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời