Không chỉ phổ biến trong loạt phim giả tưởng của điện ảnh Mỹ ,“Xác sống” đang tồn tại thực sự trong môi trường làm việc ở nhiều công sở. Đâu là những liều thuốc đặc trị để chữa căn bệnh này?
Zombie là tên gọi dùng để chỉ những nhân viên không gắn kết với doanh nghiệp, nhưng lại không ra đi. Từ đó những zombie này gây ảnh hưởng trầm trọng tới văn hóa công sở và hiệu suất kinh doanh của cả công ty. Điều đáng báo động, số lượng zombie công sở đang ngày một tăng lên và có xu hướng trẻ hóa.
Zombie công sở làm thất thoát hiệu suất làm việc
Theo khảo sát của Anphabe, trên 26.000 người làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thật sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Đáng chú ý, trong số 39,3 % nhân sự thờ ơ với công ty thì có tới 67% vẫn ở lại. Họ là những người đi làm, nhưng không nỗ lực cho công việc. Họ không gắn bó với công ty, nhưng lại không có ý định nghỉ việc. Từ đó, những zombie này lan truyền những ảnh hưởng tiêu cực và “hạ gục” những nhân viên khác bằng thái độ và hành vi tiêu cực.
Vẫn theo Anphabe, trung bình cứ 4 nhân viên thì có 1 zombie công sở, chiếm tỷ lệ 25%. Tỷ lệ này gần với mức trung bình trên thế giới là 26% và gần cao bằng mức 32% của Thái Lan. Nhóm 25% zombie công sở này khiến doanh nghiệp thất thoát 11,7% hiệu suất làm việc. Nhân viên càng trẻ thì hội chứng zombie càng có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ zombie ở Gen Y (nhóm nhân sự sinh năm 1994-1998) lên tới 30,9%.
Hội chứng zombie được ghi nhận ở nhiều ngành nghề. Trong đó, giáo dục – đào tạo là ngành có tỷ lệ zombie cao nhất, lên tới 50%. Ngành nghề có tỷ lệ zombie thấp nhất là nông – lâm – ngư nghiệp với 27%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhân viên zombie gia tăng theo thời gian. Mặc dù lượng nhân viên thờ ơ với công việc và công ty chỉ tăng nhẹ từ 35,2% năm 2015 lên 36,8% năm 2016, nhưng tỷ lệ nhân viên thờ ơ này mang xu hướng không nghỉ việc ngày càng tăng lên. Nếu năm 2015 tỷ lệ này là 12,6% thì năm 2016 tỷ lệ này tăng gấp đôi, lên 24,6.
Thực tế, có rất nhiều nhân viên đang làm việc kém hiệu quả. Nếu như số ngày nghỉ bệnh trung bình trong chỉ 4 ngày/năm thì trung bình số ngày các nhân viên zombie này đi làm, nhưng không tập trung và không hiệu quả lên tới 57,5 ngày làm việc trong 1 năm.
“Zombie công sở là bài toán khó với tất cả các nhà quản lý, nhưng cũng là thách thức tính nhân văn, ẩn chứa nhiều cơ hội tối đa hóa hiệu suất cho tổ chức”, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Anphabe nhận định.
Điều trị zombie công sở thế nào?
Để điều trị đặc hiệu nhóm zombie công sở, cần xét nghiệm và xác định phác đồ điều trị phù hợp. “Nếu nguyên nhân là vì công ty chưa tạo đủ điều kiện cho nhân viên, cần tìm hiểu sâu hơn nhu cầu của họ, từ đó ưu tiên cho những giải pháp nhanh chóng, hiệu quả cao. Trường hợp công ty đã hỗ trợ tốt mà nhân viên vẫn không hài lòng, cần nhìn nhận cách truyền thông để giúp họ hiểu đúng và đủ”, bà Đoàn Lê Minh Hà, Giám đốc nhân sự Kuehne + Nagel Việt Nam cho hay.
Trong khi đó, bà Đặng Lê Trâm, Giám đốc nhân sự Vinataba – Philip Morris Việt Nam, chi nhánh TP.HCM cho rằng, nếu các nguyên nhân khiến nhân viên không gắn kết đến từ chuyện cá nhân như sinh con, bệnh tật… thì công ty cần có chương trình linh hoạt và quy trình hỗ trợ rõ ràng nhằm tạo cơ hội xây dựng gắn kết tình cảm bền vững.
Khi đã bắt đúng bệnh, các cấp quản lý đặc biệt là phòng nhân sự cần đưa ra phác đồ điều trị đặc hiệu, phù hợp với từng zombie công sở. Trong điều trị, cần kết hợp hiệu quả giữa việc tạo sức ép và tạo động lực để họ phấn đấu.
Bà Phan Nguyên Nhật Thảo, Giám đốc nhân sự Amway Việt Nam cho rằng, việc xác định chỉ tiêu cụ thể, rõ ràng trong cách thực hiện và thời gian là cách tạo sức ép chuyên nghiệp. “Bài toán zombie cần được giải bằng chính zombie. Nhân viên là người tự đưa ra cam kết cụ thể, sau đó thống nhất với nhân sự và quản lý. Bằng cách này, công ty hiểu nhân viên hơn và nhân viên cũng sẽ cố gắng hơn”, bà Nhật Thảo cho hay.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc nhân sự Daikin Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Thủy lại cho rằng, cần phải hỗ trợ nhân viên có động lực để đẩy họ tự nỗ lực hơn. “Động lực của nhân viên tuy rất đa dạng, nhưng vẫn có thể quy về một số giải pháp chung. Ví dụ, nhân viên trẻ mới vào cần được thử thách và ghi nhận, nhân viên lớn tuổi cần sự ổn định trong công việc, còn các nhân viên lập gia đình trong vòng 5 năm đầu sẽ có nhu cầu lương tiền cao hơn”, bà Thanh Thủy nhận định.
Theo bà Thanh Thủy, nếu công ty đã uyển chuyển hỗ trợ, nhưng không thấy được sự thay đổi tích cực ở nhân viên, vì lợi ích chung của tổ chức sẽ buộc phải chia tay những zombie đã “hết thuốc chữa”. Tuy nhiên, chia tay sao cho phù hợp cũng không phải điều dễ dàng. Có nhiều cách để doanh nghiệp có thể nói lời chia tay với các zombie đã “hết thuốc chữa”. Anphabe đưa ra 4 phương án chủ đạo:
– Thứ nhất, nhân sự có thể trao đổi thẳng thắn với nhân viên về quyết định chia tay và đề xuất một khoản “tình phí” phù hợp để nhân viên chủ động “chia tay trong hòa bình”.
– Thứ hai, nhân sự có thể làm việc với các công ty tuyển dụng để “niêm yết” nhân viên trên và giúp tìm cho họ công việc khác phù hợp hơn.
– Thứ ba, có thể áp dụng phương thức “thay đổi chiến tuyến”. Tức là chuyển nhân viên zombie sang một chiến tuyến mới – vị trí mới thử thách hơn, khó khăn hơn, nhưng không thay đổi thu nhập. Cách làm thêm việc mà không thêm lương này là một cách hiệu quả khiến zombie tự nghỉ việc. Trong trường hợp tích cực, biện pháp mạnh này có thể là giải pháp hữu hiệu để nhân viên lấy lại động lực làm việc.
– Cuối cùng là giải pháp “bàn tay sắt”. Khi doanh nghiệp đã quyết định chia tay nhân viên zombie, nhưng gặp trở ngại (ví dụ hợp đồng không xác định thời hạn hoặc thời hạn còn khá lâu trong khi zombie không ngừng hủy hoại môi trường làm việc chung), nhân sự cần chuẩn bị đầy đủ bằng chứng để trao đổi thẳng thắn với nhân viên. Sử dụng đơn vị chuyên nghiệp thứ ba cũng là giải pháp giúp nhân sự bớt lao tâm, khổ tứ.
Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….
WEALTHY CONNECTION…
KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn