Cái giá đắt đỏ khi văn hóa doanh nghiệp bị nhiễm độc

SES 30/12/2019

Văn hóa doanh nghiệp là “mạch máu” vận hành những triết lý, tầm nhìn, sứ mệnh của tổ chức. Văn hóa nhiễm độc sẽ gây xói mòn vào chiến lược doanh nghiệp, nhân sự tháo chạy, năng suất làm việc sụt giảm, cản trở sự đổi mới và triệt tiêu sự nhiệt tình cần thiết khi phục vụ khách hàng. Một bầu không khí làm việc ngột ngạt, ứng xử xấu xí, thậm chí là sự xuất hiện của những hành vi bạo lực ngay trong văn phòng có thể là hệ quả sớm thấy.

Hơn bao giờ hết, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn nhận cái giá đắt đỏ khi văn hóa doanh nghiệp gặp sai lỗi. Theo nghiên cứu năm 2019 do Viện Lao động tại Kronos (Mỹ) thực hiện cho thấy văn hoá doanh nghiệp tiêu cực/độc hại là lý do lớn thứ hai khiến cho nhân viên cảm thấy kiệt sức (24%), theo sát nguyên nhân dẫn đầu là số lượng công việc không phù hợp (25%). Còn theo số liệu thống kê năm 2018 của Bộ Lao động Mỹ, thời gian gắn bó trung bình của một nhân viên với một công ty là 4,2 năm. Tuy nhiên, con số này giảm còn 2,8 năm đối với thế hệ Đương đại (Millennial) – lực lượng lao động lớn nhất hiện nay. Điều này có nghĩa là người lao động ngày nay không còn sợ nhảy việc nếu gặp phải một môi trường làm việc độc hại, và nó càng trở càng nguy hiểm hơn nếu đó là đội ngũ “cứng cựa” của doanh nghiệp.

Ở mọi cấp độ trong một tổ chức đều có thể góp phần gây ra văn hoa độc hại, nó có thể đến từ cấp lãnh đạo, một nhà quản lý tồi hoặc nhân viên lười biếng, thậm chí là cả 3 nhân tố cùng lúc.

Yếu tố 1: Sự độc hại đến từ tổ chức do thiếu vắng những giá trị cốt lõi

Giá trị cốt lõi và những kỳ vọng mà lãnh đạo dành cho nhân viên chính là nền tảng cho việc ra quyết định và cách ứng xử, làm việc trong tổ chức. Không có giá trị cốt lõi, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập và xây dựng văn hoá. Những giá trị cốt lõi ấy không phải chỉ được nêu ra giấy mà phải trở thành nền tảng cho mọi hoạt động, chính sách, quy trình, hệ thống quản trị của doanh nghiệp.

Một khi đã xác định được giá trị cốt lõi, nếu tổ chức không thường xuyên truyền đạt chúng đến nhân viên, hoặc truyền đạt thiếu hiệu quả thì lại khiến đội ngũ lao động không nhớ, không hiểu được cách thức người chủ doanh nghiệp xây dựng nền văn hoá như thế nào mà làm theo.

Với tư cách là nhà quản trị, người đứng đầu doanh nghiệp tỉnh táo lựa chọn hoạt động của mình cho phù hợp với giá trị cốt lõi và văn hoá doanh nghiệp. Nhưng có một điều là hầu hết các tổ chức đều đang đánh giá nhân viên theo tiêu chí hiệu quả lao động hàng năm, cho rằng đó là cách để mỗi cá nhân tự trau dồi và hoàn thiện mình. Tuy nhiên, việc so sánh giữa các nhân viên với nhau có thể đang gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa đội ngũ nhân viên, khiến một số cảm thấy chán nản và buông bỏ vì “cố mãi mà vẫn không bằng người ta”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp cần nhận thức được mỗi cá nhân trong tổ chức lại có một động lực làm việc và phấn đấu khác nhau, khiến cho cách mọi người phản ứng lại với bất cứ sự thay đổi, cải tiến nào cũng khác nhau – một số thì luôn tích cực, số khác lại tiêu cực. Và dù với cách thức nào, chủ doanh nghiệp cũng cần phải giải quyết ở góc độ cá nhân. Tất nhiên điều này lại phụ thuộc vào độ am hiểu của lãnh đạo cấp cao đối với nhân viên của mình.

Yếu tố 2: Sự độc hại đến từ cấp quản lý yếu kém

Biểu hiện của một đội ngũ quản lý “độc hại” là khi ngay từ đầu đã không ủng hộ các giá trị cốt lõi tổ chức xây dựng. Nếu điều này xảy ra, nhà quản lý –  những người vốn có vị trí cao hơn những nhân viên cấp thấp hơn, sẽ dễ lây lan độc tính trong môi trường làm việc hơn.

Tình huống tiêu cực thứ hai là khi nhà quản lý không thường xuyên giao tiếp hay đưa ra nhận xét, phản hồi cho những nhân viên cấp dưới. Theo khảo sát đối với hơn 5.000 nhân viên do Tổ chức nhân sự The Predictive Index (Mỹ) thực hiện, nhân viên thà làm việc với một nhà quản lý đề xuất quá nhiều nhận xét hơn là người đưa ra quá ít phản hồi (54% so với 46%). Hầu hết các nhà quản lý đều tổ chức những cuộc họp tuần và trao đổi với nhân viên dựa trên các báo cáo trực quan. Dẫu vậy, điều quan trọng là liệu họ có tận dụng cơ hội ấy để thường xuyên chỉ ra những nhận xét chân thành, đúng lúc và chính xác? Hoặc khi nhân viên có phàn nàn về một điều gì đó, cấp quản lý liệu có thực sự lắng nghe và đồng cảm?

Sự quan tâm của cấp lãnh đạo sẽ giúp nhân viên tự tin và tin tưởng vào tổ chức khi dám phản biện lại những quyết định gây tranh cãi, nhưng sẽ tuyệt đối tuân theo một khi quyết định đã được đưa ra, như lời khuyên của tỷ phú Jeff Bezos viết trong cuốn sách “The Amazon Way”. Mối quan hệ tích cực giữa cấp quản lý và nhân viên chính là nền tảng để tránh một môi trường làm việc độc hại không mong muốn.

Yếu tố 3: Sự độc hại đến từ chính nhân viên

Mặc dù nhân viên là đối tượng dễ rời bỏ tổ chức nhất khi họ cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp. Tuy nhiên, họ cũng vẫn là một trong những yếu tố hàng đầu gây ra sự độc hại trong môi trường làm việc nếu họ không cảm thấy mình được trân trọng, thường thể hiện qua sự bất mãn, tức giận, như trong việc thăng chức chẳng hạn. Nếu trước đó, tổ chức và người quản lý không chỉ cho họ cách phản ứng tích cực với thất bại để thành công trong tương lai, nhân viên sẽ luôn dằn vặt với suy nghĩ mình bị đối xử không tốt và trở nên lầm lỳ, chán nản với công việc.

Hoặc giả dụ nhân viên phải làm những nhiệm vụ, vị trí không phù hợp với khả năng, không phục vụ đúng lợi ích của nhân viên, khiến họ phải đi ngược lại với những giá trị cá nhân của bản thân, thì các cấp quản lý cũng cần phải xem xét lại và tạo sự thay đổi cho phù hợp – hoặc sẽ đối mặt với thêm một nhân sự “độc hại” trước khi họ quyết định ra đi. Điều tương tự cũng dễ diễn ra khi nhân viên phải đón nhận một sự thay đổi đột ngột nào đó mà họ chưa được chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý khiến họ không thể thích nghi được.

Sự tiêu cực của một nền văn hoá độc hại thấm vào tổ chức

Cái giá phải trả cho môi trường làm việc độc hại là vô cùng đắt đỏ. Trước hết, nó gây ra sự thất vọng tràn lan trong nhân viên ở mọi bậc, vì nay mỗi người sẽ có một quan điểm làm việc khác nhau, dẫn đến sự bất đồng và thiếu nhất quán trong tổ chức. Độ hài lòng với công việc của nhân viên xuống thấp khiến việc thực hiện cả những nhiệm vụ đơn giản nhất cũng trở nên khó khăn, chậm chạp, biểu hiện trực tiếp ra thái độ và cách thức của nhân viên khi chăm sóc khách hàng.

Sự thất vọng dần dà dẫn đến sự sợ hãi, khi mà nhân viên nào cũng chấp nhận cúi đầu làm lơ và tránh càng xa những “điểm nóng” càng tốt. Họ sẽ chỉ có đủ động lực để làm đủ phần công việc cho qua ngày do toàn bộ năng lượng đã bị tiêu hao cho việc lo lắng, sợ bị chú ý, soi mói. Chẳng ai còn đủ tự tin giao dịch với khách hàng, hoặc thực hiện hoá chiến lược của công ty vì sự phát triển, còn doanh nghiệp nói chung thì mất đi cơ hội của mình bởi sự trì trệ từ mỗi cá nhân.

Và cuối cùng, thất bại về mặt tài chính là điều không thể tránh khỏi đối với các công ty có nền văn hoá độc hại. Lợi nhuận suy giảm nặng nề do nhân viên không tới văn phòng, làm việc với năng suất thấp, doanh số không đảm bảo, mất cơ hội, thậm chí là chỉ bởi lực lượng lao động thiếu nhiệt tình với công việc. Tổ chức sẽ cần nhiều nguồn lực hơn để duy trì hoạt động, trong khi đối thủ cạnh tranh, với nền văn hoá doanh nghiệp tích cực, nhanh chóng chiếm thế thượng phong.

Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….

WEALTHY CONNECTION…

KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời