Tư vấn chiến lược là một dịch vụ có từ cả trăm năm nay và dịch vụ này xuất phát từ các nước Tây Âu, dịch chuyển về Châu Á trong khoảng 30 năm trở lại đây. Tại Việt Nam dịch vụ này phát triển mạnh từ những năm 2004 với bước ngoặt là cơ chế mở rộng thị trường chứng khoán tại Việt Nam trong những năm gần đây và đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt đến từ những công ty và thị trường nước ngoài, buộc các doanh nghiệp trong nước phải tìm những hướng đi mới cho doanh nghiệp mình để tồn tại và phát triển. Chính vì điều đó dịch vụ tư vấn chiến lược phát triển mạnh.
Tư vấn chiến lược chia làm 02 giai đoạn rất rõ ràng đó là:
1. Xác lập con đường (định hướng)
2. Thực thi các chiến lược (triển khai)
Trong 02 giai đoạn này thì giai đoạn 2 – thực thi bao giờ cũng khó khăn nhất. Trong những năm qua nhiều công ty thành công trong việc nhờ các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới xác lập con đường chiến lược, nhưng lại rất nhiều doanh nghiệp thất bại trong việc thực thi các chiến lược đó. Sở dĩ các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới thành công việc xác lập các định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam không khó là vì họ có kinh nghiệm nhiều năm và nắm rất rõ dữ liệu ngành trên toàn thế giới và đặc biệt là các dữ liệu của các thị trường mới nổi như Việt Nam. Nhưng ngược lại các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu lại gặp thử thách cực lớn khi triển khai chiến lược tại Việt Nam là do đâu, chúng ta sẽ tìm giải pháp ở phần bên dưới.
I. Giai Đoạn 1: Xác Lập Con Đường Định Hướng Chiến Lược
Giai đoạn 1 này quan trọng nhất là dữ liệu thị trường và am hiểu được yếu tố quyết định thành công của ngành và xác lập được mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai là gì?
Một doanh nghiệp tư vấn chiến lược trong giai đoạn 01 là phải giúp khách hàng trả lời một cách rõ ràng các câu hỏi qua các bước sau:
Bước 1: Bức tranh tầm nhìn của bạn là gì?
Bức tranh tầm nhìn và viễn cảnh ngắn hạn 2 – 5 năm và viễn cảnh tương lai 10 – 15 năm tiếp theo của doanh nghiệp là gì? Tuy nhiên trong giai đoạn thị trường và các yếu tố môi trường địa chính trị có nhiều biến động thì việc xác định bức tranh 5 năm là phù hợp và còn 10 -15 năm thì chỉ dừng lại ở việc định hướng. Đặc biệt đối với các công ty bất động sản thì thậm chí bức tranh có thể là 3 năm, còn 5,10,15 năm chỉ dừng lại ở các định hướng mà thôi. Đặc biệt là năm 2020, khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.
Bước 2: Phân khúc – Mô hình kinh doanh
Phân khúc khách hàng và sản phẩm lõi của doanh nghiệp của bạn là gì? Thị trường chính của bạn ở đâu? Quy mô và độ lớn thế nào? Xu hướng phát triển trong tương lai thế nào? Tốc độ tăng trưởng của từng phân khúc thế nào?
(1) Đối thủ của bạn là ai?
(2) Mô hình kinh doanh bạn muốn hướng đến là gì? Đối với tập đoàn đa ngành thì cần xác định ngành lõi của bạn là gì?
Bước 3: Xác định yếu tố quyết định thành công của ngành là gì?
Là những yếu tố doanh nghiệp cần có để thành công trong 01 ngành nào đó. Để trả lời cho câu hỏi này đòi hỏi các công ty tư vấn chiến lược phải giúp khách hàng hiểu được các câu chuyện thành công trong ngành ở các thị trường tương tự. Nếu doanh nghiệp không nhìn ra được câu trả lời này thì mọi công việc lựa chọn chiến lược tiếp theo sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.
Bước 4: Xác định điểm mạnh của doanh nghiệp
Điểm doanh nghiệp mình mạnh hơn đối thủ cùng phân khúc, trong bước này cần tránh sự ngộ nhận về điểm mạnh. Điểm mạnh của doanh nghiệp thường không quá 04 điểm
Lưu ý: Đã là mạnh của doanh nghiệp mình thì gần như là yếu của đối thủ cùng phân khúc
Bước 5: Xác định điểm mạnh của đối thủ
Muốn làm được bước này chúng ta phải có các dữ liệu thị trường và kinh nghiệm trong ngành nhiều năm.
Bước 6: Đâu là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (USP)
Lợi thế cạnh tranh là điểm tập hợp các yếu tố của doanh nghiệp bao gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, công nghệ, nguồn lực…giúp doanh nghiệp mình khác với doanh nghiệp khác và doanh nghiệp khác muốn bắt chước vẫn được nhưng rất khó hoặc mất rất nhiều thời gian.
Lưu ý: Lợi thế cạnh tranh phải là 1 vài điểm liên quan đến yếu tố quyết định thành công của ngành.
Bước 7: Lựa chọn chiến lược
Những chiến lược nào doanh nghiệp cần tập trung trong 5 năm tới nhằm sử dụng, khai thác, phát triển được lợi thế cạnh tranh của mình nhằm đạt được bức tranh tầm nhìn ở trên.
Lưu ý: Doanh nghiệp không nên chọn nhiều hơn 3 chiến lược và ở bước này các doanh nghiệp cần phân biệt rõ giữa chiến lược và chiến thuật. Nếu doanh nghiệp có quá nhiều chiến lược ở bước này thì có 2 trường hợp sau:
(1) doanh nghiệp quá dàn trải;
(2) doanh nghiệp nhầm lẫn giữa chiến lược và các chiến thuật thực thi.
II. Giai Đoạn 2: Tư Vấn Thực Thi Chiến Lược
Ở giai đoạn này vô cùng quan trọng và đòi hỏi rất nhiều yếu tố nên đó cũng là lý do tại sao rất nhiều doanh nghiệp tư vấn hàng đầu thế giới cũng như các khách hàng đầu tư rất nhiều nhưng đều thất bại. Để việc thực thi một chiến lược mới thành công thì cần các điều kiện sau:
Điều kiện thứ 1:
Cụ thể hoá chiến lược thành các mục tiêu trọng tâm có tính liên kết (gọi là bản đồ chiến lược) và sau đó là các KPI và các KSI (key strategic Initiative – giải pháp chiến lược trọng tâm – hay con gọi là các chiến thuật). Bản đồ chiến lược, KPI, KSI phải kết nối với nhau rất chặt chẽ và có nguyên tắc.
Điều kiện thứ 2:
Với định hướng chiến lược mới thì phong cách điều hành và quản lý cũng như những tư duy nào trong doanh nghiệp hiện có cần phải điều chỉnh để phù hợp với chiến lược mới. Đây chính là rào cản lớn nhất của việc thực thi chiến lược. Yếu tố này nếu không điều chỉnh thì gần như 99% cách thực thi chiến lược sẽ là như cũ.
Trong các dự án triển khai cho các doanh nghiệp lớn thì phần này là quan trọng nhất vì khi doanh nghiệp đã nhiều năm thành công, chủ nghĩa kinh nghiệm sẽ lấn át và các tư duy cũ sẽ rất khó để thay đổi. Còn đối với các doanh nghiệp SME với nhiều năm làm việc theo kiểu gia đình, không bài bản, tư duy theo kiểu dựa trên nguồn lực hiện có,… việc thay đổi lên một tư duy hợp lực, tư duy chuyên nghiệp cũng không hề đơn giản và đòi hỏi một phương pháp tiếp cận phải rất khoa học cũng như bài bản. Thay đổi tư duy quản lý và lãnh đạo trong bước này là điều không thể thiếu để hình thành một văn hoá mới phù hợp với chiến lược.
Điều kiện thứ 3:
Năng lực thực thi của đội ngũ sẽ là yếu tố quyết định tốc độ và hiệu quả của chiến lược. Lúc này năng lực giao việc, năng lực báo cáo, năng lực tư duy và phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực điều phối dự án theo ma trận, đặc biệt là năng lực coaching cho cấp dưới theo văn hóa và theo KPI vô cùng quan trọng.
Điều kiện thứ 4:
Hệ thống công cụ quản trị hỗ trợ bao gồm: Quy trình, chính sách, sơ đồ tổ chức, mô tả công việc, công nghệ thông tin hỗ trợ, quản trị nhân tài, phát triển kế thừa phải hỗ trợ cho quá trình thực thi các chiến lược. Khi các yếu tố này dưới chuẩn đều ảnh hưởng lên hiệu quả của việc thực thi chiến lược.
Loan Văn Sơn
Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….
WEALTHY CONNECTION…
KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn