Các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam 2019

SES 12/06/2019

Cùng với việc công bố báo cáo Brand Footprint toàn cầu lần thứ 7, Worldpanel thuộc Kantar đã ra mắt lần đầu tiên báo cáo Brand Footprint của Châu Á năm 2019, tập trung cụ thể tại 7 thị trường: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, Worldpanel công bố Top 10 nhà sản xuất trong ngành hàng FMCG và Top 10 thương hiệu trong các lĩnh vực Sức khỏe & Sắc đẹp, Sản phẩm chăm sóc gia đình, Thực phẩm, Đồ uống, Sữa và các sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị 4 thành phố (Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Nông thôn Việt Nam.

Điểm khác biệt của bảng xếp hạng Brand Footprint chính là ở chỗ báo cáo này cung cấp thông tin về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thực tế chứ không dựa trên thị hiếu hay thái độ của họ đối với thương hiệu như ở các bảng xếp hạng khác. Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên thước đo Điểm Tiếp Cận Người Tiêu Dùng (CRP*). Đây là một thước đo mang tính sáng tạo nhằm đo lường bao nhiêu hộ gia đình trong phạm vi nghiên cứu có chọn mua một thương hiệu (tỷ lệ hộ mua) và mức độ thường xuyên mua (tần suất mua). Thước đo này chính là đại diện chân thực nhất về sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Bảng xếp hạng 10 nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị 4 thành phố chính và Nông thôn Việt Nam do Worldpanel công bố trong báo cáo Brand Footprint 2019 bao gồm:

Unilever, Vinamilk và Masan Consumer năm thứ 7 liên tiếp duy trì vị trí dẫn đầu trong Top 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại Thành thị 4 thành phố và Nông thôn. Yếu tố thành công của họ là sự đa dạng hóa trong danh mục sản phẩm, đáp ứng được sự thay đổi nhu cầu nhanh chóng của người tiêu dùng Việt Nam.

Unilever giữ vững vị trí dẫn đầu ở Nông thôn Việt Nam nơi chiếm tới hơn 60% dân số Việt Nam đồng thời cũng nắm giữ vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng ở khu vực Thành thị 4 thành phố.

Vinamilk duy trì phong độ ở Top 1 và Top 3 lần lượt trong bảng xếp hạng Thành thị 4 thành phố và Nông thôn, phần lớn nhờ vào những thương hiệu mạnh như Vinamilk, Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam (Southern Star). Hơn thế, nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam này vẫn có thể giành thêm 6,5 triệu lần được chọn mua bởi người tiêu dùng ở khu vực Nông thôn trong năm qua.

Trong Top 10 các nhà sản xuất được chọn mua nhiều nhất, Suntory PepsiCo và Calofic lần lượt là các nhà sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng CRPs cao nhất ở Thành thị 4 thành phố và Nông thôn.

Nestlé tiếp tục đạt được những thành tựu nổi bật khi là nhà sản xuất duy nhất duy trì được sự tăng trưởng CRP tích cực trong bảng xếp hạng ở cả hai khu vực. Thành công này chủ yếu đến từ sự tăng trưởng của thương hiệu Milo – thương hiệu chính của Nestlé Việt Nam thông qua rất nhiều các hoạt động truyền thông và tiếp thị trong năm 2018.

Coca-Cola Vietnam thể hiện sự vươn mình ấn tượng, tăng 2 hạng và lần đầu tiên có mặt trên bảng xếp hạng ở khu vực Thành thị 4 thành phố.

 

BẢNG XẾP HẠNG THƯƠNG HIỆU THEO LĨNH VỰC

CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ SẮC ĐẸP

 

Một lần nữa, P/S được vinh danh là thương hiệu Chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp số 1 về CRPs ở cả Thành thị 4 thành phố và Nông thôn Việt Nam. Trong bảng xếp hạng thuộc lĩnh vực này, có tới 5 trên 10 thương hiệu thuộc về Unilever, một lần nữa khẳng định vị thế của nhà sản xuất này trong ngành hàng Chăm sóc cá nhân.

Diana đạt được thành tựu đáng kể trong năm 2018. Diana không chỉ là thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Top 10 ở khu vực Thành thị mà còn thu hút thêm được một lượng lớn người mua mới ở Nông thôn. Đi từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 6, thương hiệu này đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 26% điểm CRP tại Nông thôn Việt Nam.

Close-up lần đầu tiên được vinh danh trong top 10 các thương hiệu Chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp ở Nông thôn Việt Nam. Cũng trong bảng xếp hạng top 10 ở khu vực này, Close-up là thương hiệu thứ 2 có mức tăng trưởng CRP nhanh nhất nhờ vào việc tập trung đầu tư cho việc phát triển các sản phẩm. Nắm bắt xu thế ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, Close-up đã cho ra mắt 2 sản phẩm kem đánh răng mới là Close-up Dầu Quất & Thảo Dược và Close-up White Attraction Natural Glow với thành phần tự nhiên đã thu hút được hơn 400 nghìn hộ gia đình mới trong năm 2018.

Sensodyne – một trong những thương hiệu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực Sức khỏe và Sắc đẹp ở khu vực Thành thị 4 thành phố chính – tiếp tục gặt hái thành công mức tăng trưởng CRP 41%, thu hút hơn 97 nghìn hộ gia đình mới trong năm vừa qua. Thành công của thương hiệu này trước tiên đến từ việc giữ vững vị trí dẫn đầu trong phân khúc chăm sóc răng nhạy cảm bổ sung thêm nhiều lợi ích khác như ngăn ngừa răng ê buốt hay làm trắng răng nhạy cảm. Bên cạnh đó, ngoài việc phân phối chủ lực tại các kênh mua sắm hiện đại, Sensodyne cũng đang tích cực đẩy mạnh sự hiện diện tại các kênh mua sắm truyền thống nhằm thu hút nhiều người mua hơn.

CHĂM SÓC VÀ GIA ĐÌNH

 

Unilever một lần nữa củng cố vị thế của mình trong lĩnh vực Chăm sóc gia đình với Sunlight, Omo, Comfort là top 3 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả 2 khu vực Thành thị 4 thành phố và Nông thôn.

Tăng thêm 2 bậc, Vim lần đầu tiên được ghi danh trong danh sách các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất năm 2018 ở Thành thị 4 thành phố. Nhờ đó giúp Unilever sở hữu 4 trên 10 thương hiệu Chăm sóc gia đình trên bảng xếp hạng ở khu vực này.

Cũng trong lĩnh vực Chăm sóc gia đình, các sản phẩm từ giấy đang phát triển rất tốt trong những năm gần đây, đặc biệt ở khu vực Nông thôn nhờ vào sự gia tăng ý thúc giữ gìn vệ sinh của người tiêu dùng Việt Nam. Kết quả là, ở Thành thị, Hà Nội (Tiến Hiếu) trở thành thương hiệu nội thu hút nhiều người tiêu dùng mới nhất. Trong khi hai thương hiệu giấy khác là Thanh Hà và Việt Nhật đã đạt mức tăng trưởng CRPs cao nhất ở Nông thôn.

THỰC PHẨM

 

Hảo Hảo và Nam Ngư một lần nữa là hai thương hiệu Thực phẩm được chọn mua nhiều nhất lần lượt ở Thành thị 4 thành phố và Nông thôn. Ngoài việc có mức độ nhận biết thương hiệu và hệ thống phân phối rộng khắp trên toàn quốc, các thương hiệu này vẫn thu hút người tiêu dùng tốt nhờ nắm bắt được các xu hướng mới nhất. Trong khi Hảo Hảo đẩy mạnh việc phát triển thêm nhiều hương vị mới cho sản phẩm tiện lợi của mình (mì ly), thì Nam Ngư cũng cho ra mắt một sản phẩm mới – nước mắm “Nam Ngư Phú Quốc” nhắm đến phân khúc cao cấp trong năm qua.

Trong bản xếp hạng ở khu vực Thành thị, Cholimex gây chú ý với tốc độ tăng trưởng CRP của mình. Tăng thêm 5 bậc, thương hiệu này lần đầu tiên tiến vào Top 10 thương hiệu Thực phẩm được chọn mua nhiều nhất. Sự tăng trưởng của thương hiệu này chủ yếu được thúc đẩy nhờ sự đa dạng các sản phẩm tương và nước chấm với nhiều sản phẩm mới ra mắt.

Chin-su cũng gặt hái được những thành tựu tốt trong năm 2018. Thương hiệu này đạt tốc độ tăng trưởng CRPs 23% – cao nhất ở Nông thôn, đồng thời duy trì được mức độ tăng trưởng CRP lạc quan 10% ở khu vực Thành thị. Phần lớn nhờ vào tăng trưởng tốt của các ngành hàng tương ớt, tương cà và sốt dầu hào.

THỨC UỐNG

 

Coca-Cola duy trì vị trí đầu bảng trong xếp hạng thương hiệu Thức uống, được chọn mua 10 triệu lần bởi 70% hộ gia đình ở khu vực Thành thị. Hơn thế, thương hiệu Top 1 thế giới này cũng đang tập trung mở rộng phạm vi hoạt động ở Nông thôn, đã đạt mức tăng trưởng 2 con số về CRPs trong năm 2018 tại khu vực này.

Xét về điểm tiếp cận người tiêu dùng CRPs, Nescafé tiếp tục là thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành hàng cà phê, giữ vững vị trí số 2 tại khu vực Nông thôn cũng như vị trí số 3 tại khu vực Thành thị trong bảng xếp hạng Top 10 ngành hàng Thức uống. Sản phẩm của Nescafe trong năm vừa qua đã được chọn mua bởi gần 1 phần 3 người tiêu dùng ở cả hai khu vực Thành thị 4 thành phố chính và Nông thôn Việt Nam.

Nhảy thêm 2 bậc, Aquafina – tân binh đến từ Suntory PepsiCo, đạt mức tăng trưởng CRP 24%, cao nhất trong bảng xếp hạng ở khu vực Thành thị. Aquafina mạnh tay đầu tư cho việc nhận diện thương hiệu của mình đối với giới trẻ Việt Nam, trở thành nhà tài trợ cho nhiều chương trình thu hút giới trẻ Việt như Vietnam International Fashion Week, Vietnam’s Next Top Model.

Saigon (Bia) lần nữa là thương hiệu thu hút nhiều người mua mới nhất năm thứ 2 tại Nông thôn, với thêm hơn 700 nghìn hộ gia đình mới trong năm qua. Nhờ đó, thương hiệu này vẫn giữ được vị trí số 1 và đạt được mức tăng trưởng CRPs cao nhất 18% trong bảng xếp hạng lĩnh vực Thức uống tại Nông thôn.

SỮA VÀ SẢN PHẨM THAY THẾ SỮA

 

Vinamilk tiếp tục tỏa sáng như là thương hiệu dẫn đầu trong bảng xếp hạng các thương hiệu Sữa và sản phẩm thay thế sữa được chọn mua nhiều nhất, với điểm CRP vượt qua mọi đối thủ ở cả Thành thị và Nông thôn. Thương hiệu này cũng tăng cường đầu tư cho truyền thông và tiếp thị để khẳng định vị thế của mình cũng như không ngừng đổi mới sản phẩm với nhiều hương vị mới hấp dẫn như Sữa đậu nành Vinamilk hạt Óc Chó, Sữa ADM Chuối, Sữa chua Nếp Cẩm trên thị trường.

Một ngôi sao sáng khác đến từ Nestlé – đó là Milo. Milo không chỉ có mặt trong top 10 thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở Thành thị 4 thành phố, mà còn mở rộng độ phủ sóng của mình ở cả Nông thôn. Tại khu vực này, Milo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ về CRP là 19%, chủ yếu nhờ vào sự kết nối bền vững với người tiêu dùng thông qua các chiến dịch tiếp thị và truyền thông, đặc biệt là với các bà mẹ và thế hệ trẻ Việt Nam

Zott Monte và Grow Plus+ lần lượt là hai thương hiệu mới đặt chân vào Top 10 ở Thành thị và Nông thôn. Zott Monte được biết đến như một thương hiệu của Zott với sản phẩm váng sữa trong khi Grow Plus+ đến từ NutiFood là một thương hiệu nội về sữa bột pha sẵn. Hai ngành hàng này chủ yếu nhắm đến phân khúc trẻ em và đang phát triển rất nhanh tại thị trường Việt Nam, nhờ mang lại các giá trị dinh dưỡng cũng như sự tiện lợi khi sử dụng sản phẩm.

* CRPs: Consumer Reach Points – Điểm Tiếp Cận Người Tiêu Dùng

Phương pháp nghiên cứu

Bảng xếp hạng năm nay phân tích trên 21,400 thương hiệu được thực hiện trên 72% dân số thế giới tại 49 quốc gia, 5 lục địa, và sử dụng dữ liệu thu thập trong 12 tháng tính đến tháng 11/2018.

Báo cáo Brand Footprint là sản phẩm sáng tạo của Kantar, được xây dựng với sự hợp tác với GfK tại Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hungary, Ý, Ba Lan, Nga, Slovakia, Nam Phi, Thụy Điển, IRI ở Hoa Kỳ, Intage ở Nhật Bản, CTR ở Trung Quốc và Sri Lanka, GfK ở Đức, Nga, Ý, và Nam Phi, IRI ở Mỹ.

Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….

WEALTHY CONNECTION…

KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận