7 Điểm cần lưu ý khi triển khai Văn hóa doanh nghiệp

SES 28/09/2020

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo 3 cấp độ:

1. Hiểu sai về cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp

Chính vì văn hóa doanh nghiệp được cấu tạo từ 3 phần như một “tảng băng trôi”, thế nên không ít người nhầm lẫn những biểu hiện bề nổi chính là văn hóa doanh nghiệp. Từ việc không hiểu đúng về khái niệm văn hóa doanh nghiệp nên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp thường mắc phải điểm này.

Bởi không hiểu tường tận về văn hóa, doanh nghiệp chú trọng vào việc tuyên truyền tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Đội ngũ truyền thông trong suốt thời gian dài, thậm chí thuộc lòng giá trị cốt lõi nhưng nhân viên vẫn không làm theo. Đó là vì giả định căn bản ngầm ở bên dưới không bổ trợ cho giá trị cốt lõi đó. Khi gặp phải những vấn đề, họ không có những giả định ngầm hiểu để làm căn cứ giải quyết.

Cần hiểu rằng cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp chính là các giả định ngầm hiểu chứ không phải các yếu tố bề nổi, hay các giá trị đồng thuận (tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi). Điều kiện tiên quyết để triển khai thành công văn hóa doanh nghiệp là coaching, đào tạo về tư duy (mindset) và các giả định ngầm hiểu, biến nó thành chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp không xác định được văn hóa hiện tại – tương lai

Văn hóa hiện tại có những giả định căn bản nào đang tồn tại và nên chọn văn hóa nào trong tương lai để chúng ta theo đuổi? Đó là vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tự giải đáp.

Nhiều đối tác chia sẻ phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp của họ là phỏng vấn đội ngũ về văn hóa lý tưởng mà họ yêu thích, sau đó tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên kết quả khảo sát ấy. Thế nhưng họ không biết rằng khi làm theo phương pháp này, họ đang đi theo sở thích của cá nhân, trong khi tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược, lợi thế cạnh tranh của công ty lại không phù hợp với văn hóa theo sở thích ấy.

Để tránh rơi vào điểm thứ hai này, điều cần làm chính là xác định rõ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây chính là hệ quy chiếu để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, vì các giá trị văn hóa được lựa chọn phải phục vụ cho lợi thế cạnh tranh ấy. Bởi văn hóa tương lai phải phục vụ cho câu chuyện chiến lược. Nếu văn hóa doanh nghiệp không thể làm được nhiệm vụ này có nghĩa văn hóa ấy không có giá trị, và văn hoá doanh nghiệp đến một lúc nào đó thì nó cũng chính là lợi thế cạnh tranh bền vững và trường tồn nhất.

3. Mâu thuẫn văn hóa tương lai với phong cách lãnh đạo

Rất nhiều công ty đặt ra đề bài là làm thế nào để đội ngũ chủ động. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo của những công ty này thì chúng tôi nhận thấy một điểm chung: phong cách điều hành của Lãnh đạo là quyền lực tập trung và không phân quyền. Nếu có sự phân quyền thì lãnh đạo cũng sẽ can thiệp vào công việc của nhân viên. Với thực trạng đó, làm sao nhân viên có thể chủ động?

Hay một số lãnh đạo khác muốn đội ngũ xây dựng văn hóa làm việc nhóm (teamwork) nhưng chính lãnh đạo này lại có phong cách hay chỉ trích, vô tình triệt tiêu văn hóa teamwork bằng cách chia phòng ban ra nhiều nhóm, rồi khích tướng, “tọa sơn nhìn hổ đấu”. Khi lãnh đạo khích tướng thì năng suất công việc vẫn tăng nhưng văn hóa teamwork lại kém. Nhân viên làm việc là để chứng minh với lãnh đạo nên họ tập trung vào cá nhân mà bỏ qua tinh thần teamwork. Nên nhớ rằng, sẽ không thể có văn hóa teamwork nếu lãnh đạo có phong cách “tọa sơn nhìn hổ đấu” và phong cách chỉ trích. Nếu không thay đổi phong cách lãnh đạo thì văn hóa hợp tác sẽ không hình thành được.

Một ví dụ khác có công ty lựa chọn giá trị là tính tiếp nối, nghĩa là kế thừa và luôn tạo điều kiện, cơ hội học hỏi phát triển, luôn ưu tiên thăng tiến nội bộ. Văn hóa công ty chọn như vậy để có lực lượng phát triển đường dài. Nhưng công ty lại đề cao sự trung thành, ngại sa thải đối với nhân viên làm việc kém hiệu quả và không tương thích với văn hóa. Có thể thấy phong cách của công ty đặt nặng tình cảm, nặng sự gắn kết hơn là phát triển kế thừa.

Như thế, muốn văn hóa doanh nghiệp được hình thành và phát triển, bản thân người đứng đầu phải thay đổi tư duy và phong cách lãnh đạo. Tuy nhiên, đó không phải là điều dễ dàng. Trớ trêu thay, đây lại là một trong những vấn đề thường thấy khi tiếp xúc với các khách hàng.

4. Xây dựng văn hóa bằng cách ủy quyền

Trong khi triển khai văn hóa doanh nghiệp, chúng ta gặp một vấn đề rất nguy hiểm là CEO thường ủy quyền các dự án Văn Hoá lại cho Giám đốc nhân sự, ủy quyền cho Phó tổng, hoặc một vị khác.

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi triển khai văn hóa doanh nghiệp là không ủy quyền. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn, công việc của người đứng đầu. Đó là điều bắt buộc. Lãnh đạo có thể giao cho Giám đốc nhân sự là Trưởng dự án và lo việc sắp xếp, nhưng người trực tiếp xây dựng, triển khai văn hóa doanh nghiệp phải là CEO hoặc là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, không thể là một người khác.

5. Văn hóa “vùng cấm”

Điểm thứ 5 là vấn đề mà các doanh nghiệp lớn hay vấp phải, đó là triển khai văn hóa nhưng lại chừa ra “vùng cấm”. Một số công ty mong muốn triển khai văn hóa cho doanh nghiệp nhưng lại yêu cầu đừng đụng vào vị trí Phó tổng, Trưởng phòng cứ triển khai cho đội ngũ trước, rồi từ từ thuyết phục những vị trí ấy sau. Khi đưa ra yêu cầu ấy, nghĩa là trong công ty đang có “vùng cấm”. Trong trường hợp này, chỉ có hai giải pháp: Một là từ chối triển khai dự án; hai là “dở bỏ vùng cấm”.

Vì nếu chấp nhận “vùng cấm” sẽ không thể triển khai văn hóa doanh nghiệp cách nhất quán. Dĩ nhiên trong bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ có những vị trí “nhạy cảm”. Tuy nhiên, muốn triển khai văn hóa doanh nghiệp thành công, việc chúng ta cần làm là tìm ra giải pháp để giải quyết vùng cấm này thay vì né tránh.

6. Xây dựng văn hóa nhưng không “chuẩn hóa” tư duy (Mindset)

Rất nhiều doanh nghiệp có được tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, có cả những giả định ngầm hiểu, họ kỳ vọng có thể xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp bằng công tác truyền thông nội bộ. Tuy nhiên cuối cùng kết quả vẫn thất bại.

Lý do là họ đào tạo, làm truyền thông, nhưng khi truyền thông lại bỏ qua một phần rất quan trọng là tư duy (mindset). Cần lưu ý rằng, một trong những vấn đề nguy hiểm nhất khi làm văn hóa doanh nghiệp là không xác định được cái gốc của văn hóa. Thực chất, cái gốc của việc triển khai văn hóa doanh nghiệp chính là ở tư duy (mindset), còn truyền thông chỉ là bề nổi.

7. Lãnh đạo coaching là gốc

Đây thường là điểm “chốt”. Bởi dù xây dựng văn hóa lý tưởng đến đâu, Giám đốc nhân sự truyền thông rầm rộ thế nào mà lãnh đạo không coaching cho nhân viên để làm theo thì xem như văn hóa ấy thất bại.

Một thực trạng thường thấy ở các doanh nghiệp là sau khi triển khai khóa đào tạo về mindset, bắt đầu triển khai văn hóa, được sự coaching của lãnh đạo thì tinh thần của nhân viên rất hưng phấn. Nhưng khi lãnh dạo dừng hoạt động này hoặc chuyển giao cho bộ phận nhận sự triển khai thì cứ mỗi năm, Giám đốc nhân sự lại phải suy nghĩ phải truyền thông thế nào, tổ chức hoạt động gì. Trong khi đó, lẽ ra nếu muốn chuyển giao, người đứng đầu – CEO phải coaching cho Phó tổng để tiếp tục triển khai chứ không phải là Giám đốc nhân sự.

Năng lực của người đứng đầu là phải coaching được cho các vị trí ngay dưới quyền mình. Ngược lại, các vị trí Phó tổng cũng phải coaching trong công việc định kỳ với những nhân viên cấp dưới của mình. Nếu như không có quá trình này thì sẽ không tạo ra được văn hóa hoặc tạo ra được văn hóa nhưng nó sẽ bị đứt gãy.

Đây cũng chính là “chìa khóa” để trả lời câu hỏi “chúng ta làm gì để duy trì văn hóa?”.
Để duy trì văn hóa, cái gốc nằm ở coaching lãnh đạo. Tuy nhiên, ngoài ra nó cũng còn những yếu tố như đào tạo hội nhập, hướng dẫn, tổ chức cuộc thi, công tác truyền thông…Vấn đề này được cụ thể hóa qua mô hình MVP.

M – Mission là sứ mệnh.
V – Values là giá trị cốt lõi.
P – Principles là các nguyên tắc, các giả định ngầm hiểu.

Khi triển khai văn hóa, đừng nên nghĩ những điều xa xôi. Muốn giá trị ngầm hiểu nào đi vào đời sống doanh nghiệp thì người lãnh đạo hãy làm mẫu giá trị đó, và lãnh đạo phải coaching để tìm ra được bộ phận làm mẫu. Những nhân sự tương lai muốn thăng tiến thì phải đảm bảo đi theo văn hoá này.

Như vậy lãnh đạo hình mẫu, lãnh đạo coaching, bộ phận hình mẫu và kế thừa hình mẫu chiếm 70% văn hóa. Còn 30% còn lại là truyền thông, media nội bộ, ví dụ như video, những câu chuyện, chính sách khen thưởng văn hóa, bộ nhận diện thương hiệu (logo, slogan, trang trí thang máy, văn phòng làm việc), đặc biệt là những hoạt động (teambuilding, huấn luyện, đào tạo, du lịch, công tác đoàn, đội, hội trong công ty), sổ tay văn hóa, ấn phẩm văn hóa.

Trên đây là 7 lưu ý mà các doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình triển khai văn hóa doanh nghiệp. Khắc phục được 7 vấn đề này, các doanh nghiệp mới có thể xây dựng và duy trì được văn hóa doanh nghiệp phù hợp và duy trì văn hóa ấy một cách bền vững.

Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….

WEALTHY CONNECTION…

KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Để lại một bình luận