Trong sự thành công của mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều có bóng dáng người lãnh đạo. Sẽ rất tuyệt vời nếu người lãnh đạo không chỉ có quyền lực mà thực sự là người có tầm ảnh hưởng.
Tư duy đúng về vai trò của mình sẽ giúp lãnh đạo chọn ra cách thức hiệu quả để dẫn dắt đội ngũ nhân viên. Trong rất nhiều chức năng, việc tạo ảnh hưởng của người lãnh đạo được đánh giá là yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp.
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Giảng viên cao cấp Học viện Quản trị kinh doanh FSB chia sẻ với Doanh Nhân về chủ đề này.
Để đội ngũ tự nguyện đi theo
Gần đây, trong một chia sẻ của mình, ông có nhấn mạnh: lãnh đạo là người có tầm ảnh hưởng. Tại sao điều đó lại thật sự quan trọng với tổ chức, doanh nghiệp, thưa ông?
Nhìn lại một chút về khái niệm lãnh đạo tại Việt Nam. Trước kia, khi chưa được tiếp xúc với các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, về leadership, đa số người nghĩ rằng, lãnh đạo là người có chức, có quyền và sử dụng quyền đó để chỉ huy, điều hành doanh nghiệp. Sau này, người ta bắt đầu phân biệt rõ hơn chức năng lãnh đạo và chức năng quản lý trong doanh nghiệp. Theo đó, lãnh đạo là làm việc với con người, còn quản lý là làm việc với vật chất (tiền bạc, vật tư, quy trình…).
Tuy nhiên, trong lãnh đạo cũng có nhiều kiểu người. Lãnh đạo theo kiểu truyền thống là dùng quyền và chức vụ của mình để điều hành, chỉ huy yêu cầu người khác phải tuân thủ. Đến nay, người ta mới hiểu rằng, tầm cao nhất của người đứng đầu chính là lãnh đạo bằng sự ảnh hưởng. Theo đó, những người này, bằng phẩm chất và năng lực của mình khiến mọi người tâm phục khẩu phục và mọi người tự nguyện làm theo những điều mà người lãnh đạo mong muốn, lãnh đạo cho là đúng.
Tầm ảnh hưởng có thể cao đến mức chỉ cần người lãnh đạo có triết lý kinh doanh, triết lý quản trị rõ ràng, ví dụ như “chữ tín đặc biệt quan trọng với tổ chức và chúng ta sẵn sàng chịu thua thiệt về tiền bạc để bảo vệ chữ tín” thì không cần ra lệnh, bất cứ cán bộ nào khi giải quyết tình huống cụ thể cũng sẽ cố gắng bảo vệ uy tín đến cùng mà không cần xin phép khi phải chi tiền để bảo vệ uy tín. Vì thế tổ chức đó sẽ phản ứng nhanh, kịp thời và vận hành hiệu quả hơn rất nhiều so với những tổ chức lãnh đạo theo quyền hạn, nơi mà mọi người ở vào tình trạng thụ động, phải xin phép theo từng tình huống.
Theo như ông nói thì tầm ảnh hưởng của lãnh đạo rất quan trọng, nhưng làm thế nào để tạo được sự ảnh hưởng đó, theo ông?
Đầu tiên, cần giải quyết về mặt nhận thức, từ người lãnh đạo cao nhất đều phải thấm nhuần triết lý, lãnh đạo là bằng tầm ảnh hưởng chứ không phải bằng quyền hành hay chức vụ. Sau đó, phải truyền tải, quán triệt triết lý đó đến những lãnh đạo các cấp khác để khẳng định điều đó quan trọng và mang lại những giá trị tốt nhất cho tổ chức.
Để làm một lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, trước hết lãnh đạo đó phải có phẩm chất tốt. Có thể kể đến 4 phẩm chất cần có của lãnh đạo như: trung thực – trung tín; nhân từ – bao dung; có tình yêu thương và cuối cùng là phải “hào phóng” hay nói cách khác là không chấp vặt. Làm người lãnh đạo cần lưu ý là phải đối xử với mọi người một cách chân tình nếu không sẽ rất khó xây dựng được uy tín. Lãnh đạo càng cần có chữ tín với khách hàng và với nhân viên. Lãnh đạo đã hứa thì bằng mọi giá phải thực hiện. Ví dụ như lúc khuyến khích phát triển kinh doanh, lãnh đạo đưa ra mức thưởng rất hấp dẫn, nhưng sau một năm đến lúc tổng kết, số nhân viên đạt kết quả nhiều, thấy số tiền thưởng nhân lên quá cao nên không thực hiện như cam kết thì làm tổn hại rất nhiều đến uy tín đối với nhân viên.
Ngoài ra, việc đối xử với nhân viên trong tổ chức phải công bằng và công minh. Làm được điều này không dễ, bởi đã là con người ai cũng có những cảm xúc cá nhân, nhưng khi đã liên quan đến việc đề bạt, thăng chức, tăng lương, khen thưởng thì phải biết tách bạch giữa cảm xúc cá nhân và yêu cầu của công việc, cần có những tiêu chí rõ ràng để đánh giá. Việc đánh giá con người một cách chính xác cũng là điều không dễ dàng, vì có những người ở ngay sát mình, dễ quan sát, dễ cảm nhận, nhưng có những người ở xa, có người âm thầm cống hiến, có người thì lại làm 1 nói 10… Để đánh giá đúng, lãnh đạo cần có các tiêu chí, công cụ và nên lấy ý kiến nhiều chiều để giúp soi xét lại, giảm tính chủ quan, từ đó có những quyết định chính xác.
Bên cạnh đó, lãnh đạo còn cần biết lắng nghe, tôn trọng tất cả mọi người, để họ được phép nói. Đôi khi, cần chủ động đi nghe ngóng. Như trong FPT chúng tôi có câu nửa đùa nửa thật: “Muốn nên sự nghiệp lớn, ta phải năng la cà”. La cà ở đây là để hiểu mọi người và để họ trút bầu tâm sự một cách tự nhiên chứ không chỉ sẵn sàng lắng nghe khi họ đề nghị, bởi có rất nhiều điều bức xúc, nhưng nếu không tạo cho họ cảm giác sẵn sàng lắng nghe thì họ không bao giờ nói ra cho mình biết.
Một trong những điều quan trọng tạo ra tầm ảnh hưởng của lãnh đạo chính là người lãnh đạo làm cho những người đi theo mình tin rằng đi theo mình họ sẽ thành công và sau mỗi thương vụ thành công, họ đều nghĩ và tin rằng, trong thành công đó là có sự đóng góp của họ. Trong khi đó, với những lãnh đạo ra lệnh chỉ bằng quyền hạn thì ngược lại, họ luôn làm cho nhân viên thấy rằng, thành công là của lãnh đạo, còn mình chỉ là người giúp việc hay là chỉ đóng vai trò thứ yếu trong sự thành công đó. Điều này cho thấy, người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng không bao giờ tranh thành công, danh tiếng với cấp dưới và chính điều đó làm cho đội ngũ bên dưới càng tin tưởng và khâm phục.
Còn một yếu tố nữa cũng rất quan trọng, đó là lãnh đạo phải là người có trách nhiệm, anh có thể từ bỏ mọi thứ, tiền bạc, danh vọng… nhưng anh không thể từ bỏ trách nhiệm. Thực tế, có nhiều lãnh đạo, khi gặp khó khăn đã cảm thấy chán nản và quyết định nghỉ việc, đó chính là thiếu trách nhiệm. Khi đã là người lãnh đạo nghĩa là anh phải có trách nhiệm dẫn dắt tổ chức, dẫn dắt các cộng sự đi đến cuối hành trình.
Giá trị của tầm ảnh hưởng
Việc lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sẽ mang lại giá trị gì cho tổ chức, thưa ông?
Doanh nghiệp có lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn thì sẽ phát triển vượt trội so với những doanh nghiệp cùng lĩnh vực và thường ở vị trí số 1, số 2 so với các doanh nghiệp lãnh đạo theo chức vụ. Ngoài ra, những doanh nghiệp lãnh đạo bằng tầm ảnh hưởng thì tính gắn kết, tính đồng đội, tình yêu thương sẽ cao hơn, tỷ lệ thôi việc sẽ ít hơn và doanh nghiệp cũng phát triển bền vững hơn, bởi khi đó, những người trong tổ chức đã cùng chung một lý tưởng, triết lý, giá trị sống.
Với những doanh nghiệp ở quy mô lớn, làm thế nào để có thể ảnh hưởng được đến tất cả những đội ngũ thực thi bên dưới?
Khi tổ chức có quy mô lớn, người ta sẽ phân cấp cán bộ, trong đó, một người lãnh đạo cấp này sẽ chịu trách nhiệm xuống hai cấp bên dưới mình. Theo cách đó, tầm ảnh hưởng sẽ được lan tỏa từ trên xuống dưới.
Theo quan sát của ông, Việt Nam đã thực sự có nhiều lãnh đạo có tầm ảnh hưởng chưa?
Tại Việt Nam, chúng ta có rất nhiều lãnh đạo thể hiện được vai trò ảnh hưởng, điển hình nhất là những tấm gương như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ hầu như không bao giờ ra lệnh, nhưng tất cả mọi người đều tự nguyện đi theo. Trong một số tổ chức nhà nước, tôi biết có những vụ trưởng tầm ảnh hưởng còn cao hơn cả thứ trưởng. Còn trong khối doanh nghiệp, những người như anh Trương Gia Bình cũng là điển hình của lãnh đạo có tầm ảnh hưởng. Anh Bình rất ít khi dùng quyền lực. Trước khi ra một quyết định, anh đều tìm sự đồng thuận, ít khi xảy ra trường hợp “các chú miễn bàn, anh quyết rồi” (điều rất phổ biến ở nhiều doanh nghiệp Việt)”. Anh Bình biết truyền cảm hứng và ủy quyền cho các bộ phận bên dưới để tự họ giải quyết vấn đề của mình. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cũng là người có tầm ảnh hưởng.
Để có được tầm ảnh hưởng như ông chia sẻ ở phía trên, có phải là tư chất hay là các lãnh đạo có thể rèn luyện được?
Cả hai! Tư chất cũng là một phần. Thực tế, có khái niệm tố chất lãnh đạo và tố chất quản lý. Có nhiều người ở trình độ cao nhất của quản lý, chuyên môn có thể giỏi hơn lãnh đạo, nhưng vẫn chỉ có thể làm quản lý mà không thể lãnh đạo tốt được. Ngoài ra, khi được sinh ra nhiều người đã có sẵn gen lãnh đạo, như ở FPT, chúng tôi gọi là “thủ lĩnh một cách tự nhiên”. Tức là khi sinh hoạt trong một tập thể, dù không có chức vụ chính thức, nhưng người đó lại tự nhiên trở thành thủ lĩnh của cả nhóm. Sẽ rất tốt nếu như trước khi được bổ nhiệm lên vị trí lãnh đạo, nhân sự đó đã có được tố chất thủ lĩnh. Còn với những người không có tố chất này thì cần phải học hỏi theo các mô típ của lãnh đạo và phải rất để ý trong ứng xử, điều hành, đôi khi, họ cũng phải biết cách vượt qua những yếu tố bản năng có sẵn để rèn luyện được điều đó.
Vậy với ông thì sao, ông có phải là “thủ lĩnh một cách tự nhiên” hay không?
Thực tế, tôi cũng phải học hỏi từ anh Bình rất nhiều, tuy nhiên, khi học hỏi và thực hành cũng không thấy vướng nhiều lắm. Có lẽ tôi không phải thuộc dạng người lãnh đạo theo chức vụ và quyền hành.
Xin cảm ơn ông!
Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….
WEALTHY CONNECTION…
KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn